Print

Ethiopia: Nghề trồng hoa và xóa đói giảm nghèo

Thứ Ba, 31 /10/2023 10:36

Ethiopia, quốc gia không giáp biển nằm ở vùng Sừng châu Phi (Đông Phi) thường được nhắc đến với lịch sử phong phú, văn hóa đa dạng và cảnh quan tuyệt đẹp. Những năm gần đây, Ethiopia đang tạo dựng được tên tuổi trong lĩnh vực xuất khẩu hoa toàn cầu. “Mũi nhọn” kinh tế này không chỉ góp phần tạo ra nhiều việc làm và sinh kế cho người dân Ethiopia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo.

Nghề trồng hoa vì mục đích thương mại hiện đang rất phát triển ở Ethiopia. Khí hậu thuận lợi, nhiệt độ ôn hòa và nhiều ánh nắng mặt trời, khiến Ethiopia trở thành địa điểm lý tưởng cho việc sản xuất và xuất khẩu hoa quanh năm. Hiện nay, Ethiopia là một trong những quốc gia xuất khẩu hoa cắt cành hàng đầu châu Phi, trong đó, hoa hồng là mặt hàng xuất khẩu chính. Trong lịch sử phát triển 2 thập kỷ qua, giai đoạn phồn vinh nhất của nghề trồng hoa là năm 2021-2022, Ethiopia xuất khẩu hoa trị giá lên tới 541 triệu USD.

Tận dụng ưu thế có sự ủng hộ của châu Âu- một trong những thị trường lớn nhất về hoa cắt cành, Chính phủ Ethiopia trong nhiều năm qua đã tích cực thúc đẩy lĩnh vực này bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư và người trồng hoa, bao gồm giảm thuế hay cho thuê đất với mức giá cạnh tranh; song song đó, tạo thêm nền tảng và lộ trình quan trọng để góp phần xóa đói giảm nghèo cho quốc gia.

Một trong những tác động đáng chú ý nhất của sự phát triển nghề trồng hoa ở Ethiopia là tạo ra cơ hội việc làm. Hàng nghìn người, đặc biệt là phụ nữ và lao động trẻ, đã tìm được việc làm tại các trang trại hoa trên cả nước. Công việc cũng hết sức đa dạng, từ lao động nông trại đến các vị trí có tay nghề cao trong sản xuất, phân loại, đóng gói và vận chuyển hoa, đã mang lại sinh kế cho người nghèo, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, cơ hội cải thiện điều kiện sống và vươn lên thoát nghèo.

Ngoài việc tạo việc làm, nghề trồng hoa đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Ethiopia bởi mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn, tạo ra doanh thu ngoại hối hỗ trợ cán cân thanh toán của đất nước (trong cơ cấu nghề làm vườn, trồng hoa tạo ra khoảng 80% thu nhập). Dòng ngoại tệ này đã cho phép Ethiopia đầu tư cho hoạt động nhập khẩu và vào các lĩnh vực khác, đem lại tác động tích cực đến nền kinh tế, cũng như đời sống người dân.

Bên cạnh các trang trại lớn, nghề trồng hoa ở Ethiopia vẫn có chỗ cho hộ kinh doanh vừa và nhỏ, hộ gia đình- đặc biệt ở vùng nông thôn, tăng thêm thu nhập. Nhân sự ở phân khúc này thường là phụ nữ, bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn thu nhập hộ gia đình, giảm khả năng bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế hay biến đổi khí hậu, còn giúp nâng cao bình đẳng giới. Bởi khi người phụ nữ làm ra kinh tế, họ sẽ có tiếng nói hơn trong gia đình, giảm bớt khả năng bị bạo hành bằng nhiều hình thức.

Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, nghề trồng hoa cũng có khó khăn, lo ngại cần được giải quyết. Một trong những thách thức chính là tác động môi trường tiềm ẩn. Việc trồng hoa thâm canh đòi hỏi một lượng nước và năng lượng đáng kể, có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên địa phương, cũng như góp phần làm suy thoái môi trường nếu không được quản lý bền vững. Hơn nữa, an toàn, vệ sinh lao động và quyền của NLĐ ở một số nơi chưa thực sự đảm bảo, đã ghi nhận những báo cáo về tình trạng làm việc nhiều giờ và lương không thỏa đáng, đặc biệt đối với lao động nữ. Do đó, bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo vệ quyền lợi của NLĐ vẫn phải là ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững của nghề trồng hoa tại Ethiopia.

Như vậy, nghề trồng hoa của Ethiopia là một ví dụ điển hình về việc dựa vào nông nghiệp cũng có thể tác động hiệu quả đến công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và góp phần phát triển kinh tế, trồng hoa đã và đang trở thành phương thức giúp nhiều người Ethiopia thoát nghèo. Bằng cách giải quyết các mối lo ngại về môi trường và vấn đề quyền lợi lao động, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện về mọi mặt, Ethiopia có thể tận dụng tối đa lợi thế đến từ nghề trồng hoa trong những năm tới.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)