Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô Ấn Độ
Thời tiết ít gió và tình trạng đốt rơm rạ diễn ra khắp các bang láng giềng những ngày qua đã khiến chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ xấu đi nhanh chóng với số ngày ô nhiễm vọt lên cao nhất kể từ đầu năm nay.
Các nhà chức trách Ấn Độ thừa nhận, New Delhi đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong mùa này, và tình hình nhiều khả năng sẽ không khả quan hơn. Thời gian qua, để cải thiện tình trạng ô nhiễm, chính quyền thủ đô Ấn Độ đã triển khai các chiến dịch chống bụi, hạn chế hoạt động xây dựng, phun nước để giảm bụi trong không khí. Tuy nhiên, chất lượng không khí ở thành phố 20 triệu dân này vẫn rất kém.
Số liệu chính thức tại một số khu vực của thành phố New Delhi cho thấy, AQI- chỉ số đo nồng độ bụi mịn PM2.5 đã vượt quá 400, tức là tình trạng ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. PM2.5 là loại bụi có thể xâm nhập sâu trong phổi, gây ra các bệnh nguy hiểm như tim mạch và ung thư.
Nhà chức trách Ấn Độ cho biết việc đốt rơm rạ tại các bang láng giềng dù ít hơn so với năm ngoái nhưng vẫn góp phần vào tình trạng ô nhiễm tại New Delhi. Thời tiết ít gió càng khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, thực tế có 10 triệu xe đang lưu thông tại New Delhi phát ra lượng khí thải lớn cũng khiến cho chất lượng không khí suy giảm.
Theo báo cáo nghiên cứu do Viện Chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ) công bố hồi tháng 8, New Delhi là siêu đô thị ô nhiễm nhất thế giới, với mức độ ô nhiễm cao hơn gấp 25 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu cảnh báo chất lượng không khí kém có thể khiến người dân nơi này bị giảm 20 năm tuổi thọ.
Bản báo cáo có tiêu đề AQLI 2023 xác định Ấn Độ là quốc gia đang phải đối mặt với "gánh nặng sức khỏe lớn nhất" do ô nhiễm không khí, và số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng bởi nồng độ ô nhiễm bụi mịn ở quốc gia này là rất cao. Tính trên toàn vùng đồng bằng phía bắc Ấn Độ, một người dân trung bình có nguy cơ bị giảm khoảng 8 năm tuổi thọ nếu mức độ ô nhiễm kéo dài. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 500 triệu dân, bao gồm các bang Bihar, Chandigarh, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và Tây Bengal, cũng như một số vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm cả thủ đô New Delhi.
Báo cáo giải thích mối đe dọa chính đối với sức khỏe người dân Ấn Độ là nồng độ ô nhiễm bụi mịn. Quốc gia này chiếm 59,1% mức độ ô nhiễm trên toàn thế giới kể từ năm 2013.
Báo cáo AQLI 2023 cho thấy trung bình cư dân của các quốc gia Nam Á bị ô nhiễm nặng như Bangladesh, Nepal, Ấn Độ và Pakistan sẽ mất khoảng 5 năm tuổi thọ do ô nhiễm. Trong khi đó, người Mỹ chỉ giảm 3,6 tháng tuổi thọ do chất lượng không khí kém.
Nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí gia tăng ở khu vực Nam Á có thể là do công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số trong 2 thập niên qua.
Ngọc Tuấn