Print

Tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo cân đối, hài hòa các khu vực

Thứ Tư, 01 /11/2023 09:34

Bên hành lang Quốc hội, ĐB Phạm Trọng Nghĩa- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu (LTT) cho NLĐ, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024- cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, nhằm đảm bảo cân đối, hài hòa mức lương giữa các khu vực…

Lý giải đề xuất tăng LTT vùng có ý nghĩa đối với NLĐ ở khu vực tư, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét về việc cải cách chính sách tiền lương dự kiến thực hiện từ 1/7/2024. Như vậy, trong khu vực công, tiền lương sẽ được tính theo thang bảng lương. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương từ 1/7/2024.

Còn khu vực ngoài nhà nước, theo ĐB Nghĩa, mức lương hiện tại chưa đáp ứng được điều kiện sống của phần lớn NLĐ, cũng như chưa bù đắp được phần trượt giá trong thời gian qua. “Vì vậy, tôi rất mong muốn Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng để trình Chính phủ việc tăng mức lương cơ sở và tốt nhất là thực hiện từ ngày 1/1/2024. Nếu không được thì cần phải thực hiện đồng thời với việc tăng lương trong khu vực công (từ 1/7/2024) để đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các khu vực”- ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Nghĩa, thực tế cho thấy, với mức lương cơ sở ở khu vực công là 1,8 triệu đồng nhân hệ số, tới đây khi cải cách tiền lương, chúng ta không áp dụng hệ số ở khu vực công nữa, mà có bảng lương chức vụ, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, bảng lương lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương khởi điểm ở khu vực công dự kiến cao hơn so với mức LTT của khu vực tư.

Dù LTT vùng hiện nay ở khu vực tư cao hơn khởi điểm khu vực công, nhưng NLĐ trong khu vực tư không áp dụng theo chế độ lương theo hệ số. Do đó, tổng thu nhập của NLĐ không phải là cao. Chi phí cuộc sống ngày càng tăng lên, vừa rồi có yếu tố lạm phát tăng lên cũng khiến nhiều NLĐ thêm khó khăn.

Liên quan đến đề xuất giảm giờ làm, ĐB Nghĩa cho biết, việc giảm giờ làm là việc hết sức cần thiết. Bởi, chúng ta áp dụng chế độ 48 giờ/tuần- tức là 6 ngày/tuần từ rất lâu. Ở khu vực công đã giảm xuống chế độ 40 giờ/tuần từ năm 1999. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 số nước có 48 giờ trở xuống. Mặt khác, ở Việt Nam, thời giờ làm thêm tương đối cao. Chúng ta có quy định giờ làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của NLĐ bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

“Không có lý do gì khi đất nước phát triển mà NLĐ phải làm việc số giờ cao. NLĐ cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu khoa học, sau thời gian Covid-19, ở một số nước phương Tây, người ta thấy việc không trực tiếp hoặc làm không đủ thời gian lại tốt hơn về mặt tổng hòa cho NLĐ. NLĐ dành nhiều thời gian cho gia đình, thể dục, thể thao và làm việc hiệu quả hơn, thì xã hội tốt hơn”- ĐB Nghĩa chia sẻ.

Trước ý kiến năng suất lao động ở nước ta đang còn thấp nên phải làm nhiều hơn để bù lại, ĐB Nghĩa cho rằng, khi chúng ta giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ xuống 44 giờ hoặc 40 giờ, thì sẽ tác động một phần nào đó lên chi phí lao động. Nhưng việc tăng chi phí lao động nên là một cách để cơ cấu lại đầu tư vào nền kinh tế. Tức là, khi một số nước cơ cấu lại lĩnh vực, ngành nghề đầu tư bằng cách tăng chi phí lao động để giảm dần việc thu hút những nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động. Đặc biệt, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu như vẫn tiếp tục thu hút đầu tư bằng các ngành nghề thâm dụng lao động trong một thời gian dài, thì lực lượng lao động trở nên già và dân số già, dẫn đến rất khó cạnh tranh trong tương lai.

Nguyệt Hà