Print

ĐBQH thảo luận nhiều vấn đề “nóng” lĩnh vực việc làm và y tế

Thứ Tư, 01 /11/2023 11:04

Sáng 1/11, thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các ĐBQH bày tỏ quan tâm nhiều đến vấn đề thiếu việc làm, đặc biệt thiếu cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực; cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra, dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp…

Đánh giá kỹ tình trạng thiếu việc làm

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cơ bản nhất trí với các báo cáo, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong điều hành kinh tế. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, nhất là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, năng suất lao động chưa đạt mục tiêu- trong khi vấn đề này có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, các ĐBQH cũng rất quan tâm, trăn trở về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng như tình trạng DN nợ BHXH làm ảnh hưởng đến NLĐ…

Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho biết, thời gian qua, số DN rút lui khỏi thị trường thấp hơn số DN thành lập mới; tuy nhiên số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm. Trong số các DN rút lui khỏi thị trường, phần lớn là các DN trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như: Giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện… Điều này thể hiện số DN đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững.

Do đó, theo các ĐBQH, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, DN trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch; đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới, DN xin tạm ngừng hoạt động để có giải pháp cụ thể trong đào tạo học nghề, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm việc làm phù hợp. Đồng thời, đánh giá sâu hơn tác động của việc giảm số lượng việc làm, nhất là với những ngành có lực lượng lao động đông, lao động trẻ.

ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) thảo luận về tình hình lao động, việc làm

Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, song ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, thanh niên chính là lực lượng đông đảo, tiên phong trong lao động sản xuất, nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động, gây áp lực cho an sinh xã hội- đây cũng là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội.

“Vì vậy, Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đánh giá lại công tác phân luồng học sinh. Tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên. Ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng và lao động nói chung ở trong khu vực phi chính thức. Đặc biệt, có chính sách thu hút thanh niên có trình độ và làm việc ở trong khu vực lao động chính thức để tránh lãng phí nguồn nhân lực”- ĐB Huyền đề nghị.

Về tình hình hoạt động của DN và việc làm của NLĐ, ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, bình quân tháng có 15.000 DN rút lui khởi thị trường, trong khi số DN mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút BHXH một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn khá cao. Do đó, Chính phủ cần đánh giá sát tình hình, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng DN giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường, có chính sách hỗ trợ DN và giải quyết việc làm cho NLĐ hiệu quả hơn.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được khắc phục

Tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thuốc hiện đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng người bệnh phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi đó, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, nên rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc

Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. “Chính vì vậy, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành Y tế”- ĐB Hiếu nêu vấn đề.

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế.

Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình trạng này là một thách thức dai dẳng, đã xảy ra ở nhiều nước. Đặc biệt, thiếu các loại thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, ung thư, tiêu hóa, kháng độc… Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp; đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc cung ứng toàn quốc; cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19.

“Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, thì nguyên nhân khách quan là do các văn bản pháp luật liên quan còn bất cập, việc tổ chức mua sắm tập trung còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa kịp thời, đặc biệt còn tâm lý sợ sai ở một số cá nhân, địa phương”- Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại phiên thảo luận

Về đảm bảo nguồn cung thuốc, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp sang gia hạn thuốc, tổng số thuốc đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc, trên 100.000 trang thiết bị còn hiệu lực đã tạo điều kiện cho thị trường, đảm bảo cung ứng cho các cơ sở y tế. Đồng thời, chỉ đạo các DN tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, thực hiện phân cấp toàn diện kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các đơn vị thuộc Bộ; đẩy nhanh việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung quốc gia…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế. "Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế, có 61% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động KCB; 38% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ; có những đơn vị trước đây thiếu thì nay đã đảm bảo đủ cho hoạt động KCB như BV Bạch Mai"- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Về danh mục thuốc BHYT, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2024 đến nay, đã có 5 lần Bộ Y tế cập nhật danh mục thuốc BHYT. Việc rà sooát, cập nhật danh mục hiện hành để loại thuốc có hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn, rà soát các chẩn đoán điều trị để xác định hiệu quả của các thuốc mới so với thuốc tương tự đã có trong danh mục; đồng thời đánh giá được khả năng cân đối quỹ BHYT. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, không phải thuốc mới nào được phát minh thì nghiễm nhiên sẽ được đưa vào danh mục thuốc BHYT. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng BHYT với hơn 1.000 hoạt chất.

“Danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dạng dưới tên hoạt chất thành phẩm, không ghi hàm lượng, dạng tế bào và tên thương mại, nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm của quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở y tế không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc rẻ hay đắt, thuốc nội hay ngoại, mà căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu KCB và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Cơ sở xây dựng danh mục để lựa chọn cho phù hợp. Đối với Nhật Bản, Pháp..., các danh mục này họ ghi dưới dạng tên thương mại, vì vậy cần phải cập nhật thường xuyên…”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Nguyệt Hà