WHO cảnh báo thảm họa y tế ở Dải Gaza
Một quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra "thảm họa y tế công cộng" tại Dải Gaza trong bối cảnh người dân di dời hàng loạt và cơ sở hạ tầng cung cấp nước, dịch vụ vệ sinh bị hư hỏng.
Trong khi đó, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cảnh báo về nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh do mất nước khi nguồn cung cấp nước sinh hoạt chỉ ở mức 5% so với bình thường.
Trong tuần qua, các xe tải chở hàng viện trợ đã xuất phát từ Ai Cập đến Gaza thông qua Rafah - cửa khẩu chính không giáp biên giới với Israel. Chính quyền Mỹ ngày 31/10 thông báo, trong 24 giờ trước đó có tổng cộng 66 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã vào Gaza và hàng chục chiếc xe khác dự kiến cũng sẽ được thông quan để chuyển hàng viện trợ tới dải đất này. Tuy nhiên, Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhận định, năng lực vận chuyển viện trợ bằng xe tải đến nay chỉ đáp ứng được "một phần nhỏ" so với nhu cầu ở Gaza.
"Chúng tôi cũng đang tiếp tục thúc đẩy việc nối lại các dịch vụ thiết yếu, bao gồm cung cấp nước và nhiên liệu. Nhiên liệu sẽ rất quan trọng ở đây, chắc chắn là trong những giờ tới hay những ngày tới vì lượng nhiên liệu hiện có sắp cạn kiệt hoặc đã gần như cạn kiệt. Và tất nhiên, chúng tôi ủng hộ các nỗ lực nhằm đảm bảo lối đi an toàn cho dân thường ở Gaza và những người muốn rời đi, đồng thời phải nói rõ lại rằng chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ hành động cưỡng bức di dời người Palestine nào ra khỏi dải Gaza", ông Kirby nói.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc về Cứu trợ Người Tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini nói rằng việc chỉ cho phép một số đoàn xe đi qua cửa khẩu Rafah để vận chuyển hàng cứu trợ là không đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 2 triệu người bị mắc kẹt ở Gaza. Ông cảnh báo hoạt động viện trợ nhân đạo cho Gaza có nguy cơ không đạt hiệu quả nếu không có quyết tâm chính trị nhằm đảm bảo việc cung cấp hàng viện trợ không gặp trở ngại và đáp ứng nhu cầu nhân đạo.
Cũng theo ông Lazzarini, trong hơn 3 tuần qua, 64 nhân viên của UNRWA đã thiệt mạng và đây là số nhân viên cứu trợ của Liên Hợp Quốc thiệt mạng nhiều nhất trong một cuộc xung đột chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.
"Các đồng nghiệp UNRWA của tôi là tia hy vọng duy nhất cho toàn bộ Dải Gaza... nhưng họ đang cạn kiệt nhiên liệu, nước, thực phẩm và thuốc men và sẽ sớm không thể tiếp tục duy trì hoạt động", ông Lazzarini nói và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Chiều 1/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc trao đổi với Quốc vương Jordan Abdullah II để bàn về việc hợp tác sâu hơn với các đối tác Ảrập nhằm giải quyết tình hình nhân đạo "đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Theo giới chức y tế tại Gaza, kể từ khi bùng phát cuộc xung đột mới nhất giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ngày 7/10 tới nay, ít nhất 8.525 người đã thiệt mạng, bao gồm khoảng 3.542 trẻ em và 2.187 phụ nữ. Phía Israel không công bố số liệu thương vong mới trong nhiều ngày qua nhưng trước đó cho biết khoảng 1.400 người ở nước này thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc.
Ngọc Tuấn