Quốc hội nghe báo cáo về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Chiều 2/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Hình thành hệ thống BHXH đa tầng
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu sửa đổi luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người dân tham gia BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật BHXH đã cụ thể hóa thành 11 nội dung lớn gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách; quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Đặc biệt, Dự thảo Luật bổ sung quy định NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN đảm bảo.
“Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. NLĐ có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện)”- Bộ trưởng Dung khẳng định.
Tăng diện bao phủ BHXH
Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, có khoảng 3 triệu người thuộc các trường hợp trên có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc thuộc.
Bà Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, Luật BHXH phải phản ánh được tính lịch sử phát triển chính sách BHXH, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH.
Ủy ban Xã hội cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể một số nội dung liên quan đến chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH (khoảng 3 triệu người); tính đồng bộ giữa quy định của dự thảo với quy định của pháp luật liên quan và tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời làm rõ việc xác định người SDLĐ, mức đóng BHXH khi bổ sung nhóm NLĐ là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tham gia BHXH; việc đảm bảo kinh phí, tác động đối với NSNN… Đồng thời, làm rõ quan điểm về việc tham gia BHXH đối với nhóm NLĐ mới (vừa là NLĐ, vừa là người SDLĐ, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động chia sẻ công việc…).
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham dự phiên họp của Quốc hội về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Bên cạnh bổ sung các nhóm tham gia BHXH, Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, liên quan đến quy định BHXH một lần, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án. Về vấn đề này, có nhiều loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất lựa chọn phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực; loại ý kiến thứ hai lựa chọn phương án 2 là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Ngoài ra, còn có loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình, vì cho rằng, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Trong khi đó, nếu theo phương án 2 cho rút 50% cũng không hợp lý, vì đây là tiền của NLĐ theo quy định tại Khoản 3, Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%. Loại ý kiến thứ ba cũng đề nghị không nên thiết kế hai phương án, mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để NLĐ lựa chọn.
“Mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy BHXH một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu), thì dù với lý do gì cũng đều trái với mục đích, tính chất của chế độ hưu trí”- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Nguyệt Hà