Print

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp): Cần giao chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT cho BHXH Việt Nam

Thứ Năm, 02 /11/2023 21:38

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, song ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng đề nghị Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần giao chức năng thanh tra chuyên ngành chi cho BHXH Việt Nam, nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Liên quan đến quy định giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, ĐB Nguyễn Hải Anh cho biết, đây là quy định rất nhân văn giúp lao động trong độ tuổi 50-55 mới tham gia BHXH, lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí cũng như người chưa đến tuổi hưởng trợ cấp xã hội. Điều này khuyến khích những người sau 45 tuổi tiếp tục tham gia BHXH; cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng hưu trí.

ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp)

"Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với Ủy ban Xã hội của Quốc hội là chúng ta phải xác định rõ nguồn ngân sách cũng như cần sự rõ ràng giữa ngân sách ngành LĐ-TB&XH đang quản lý đối với người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với nhóm đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH và phải hạch toán thật kỹ nguồn lực này"- ĐB Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ĐB Nguyễn Hải Anh hoàn toàn đồng tình việc bổ sung thêm 5 nhóm như Tờ trình của Chính phủ, trong đó đáng quan tâm là nhóm không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Theo ĐB Nguyễn Hải Anh, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, tất cả lực lượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, xã, phường, thị trấn đều rất mong muốn được tham gia BHXH và tham gia đầy đủ các chế độ. Nếu nội dung này được thông qua sẽ tạo sự đồng tình rất lớn. Riêng với nhóm người hoạt động không chuyên trách đang được hỗ trợ bằng ngân sách của địa phương, cần tính toán để không gây áp lực cho ngân sách địa phương cũng như NSNN.

“Tôi đồng tình bổ sung một số chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách, nhất là chế độ ốm đau, thai sản. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta quy định mức hưởng 2 triệu/người có thể 1-2 năm tới còn phù hợp, nhưng vài năm nữa với tốc độ thay đổi giá cả cũng như chỉ số CPI, thì số tiền này sẽ không phù hợp nữa. Sắp tới, chúng ta áp dụng mức lương cơ sở mới, nên chăng tính toán mức hưởng thai sản theo mức lương tối thiểu vùng đối với nhóm này. Cùng với đó, việc bổ sung chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ góp phần quan trọng khuyến khích người dân tích cực tham gia vào hệ thống BHXH”- ĐB Nguyễn Hải Anh đề nghị.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Hải Anh cũng bày tỏ đồng tình với trăn trở, lo lắng của các đại biểu về tình trạng lao động hưởng BHXH một lần. Thời gian qua, số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2022 là gần 5 triệu lượt là rất đáng lo ngại. Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, chúng ta hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH. Thế nhưng, với việc hưởng BHXH một lần như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH, song vấn đề đáng lo ngại nhất là trong tương lai, xã hội sẽ phải chịu gánh nặng lớn với những lao động lớn tuổi không có chế độ an sinh nào bảo vệ.

Liên quan 2 phương án rút BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Nguyễn Hải Anh nghiêng về phương án 2. Theo ĐB, đây là phương án đáp ứng yêu cầu trước mắt của NLĐ và cũng để lại 50% cho quỹ BHXH để tiếp tục khuyến khích lao động quay lại hệ thống BHXH và đảm bảo về lâu dài khi lao động đến tuổi nghỉ hưu vẫn nằm trong hệ thống an sinh.

Liên quan đến cơ quan BHXH, ĐB Nguyễn Hải Anh cho biết, trong kỳ họp trước ĐB đã cho ý kiến về việc quản lý quỹ BHXH, BHYT. Theo đó, ĐB đã đề nghị trao thêm chức năng nhiệm vụ cho ngành BHXH, mà cụ thể là thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT. Song, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này không bổ sung chức năng này. Trong khi đó, thời gian qua, tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT vẫn đang diễn biến phức tạp; các hành vi trục lợi ngày càng tinh vi, đa dạng.

"Hiện nay, chúng ta giao chức năng thanh tra toàn diện cho Bộ LĐ-TB&XH, nhưng ở các địa phương, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH với lực lượng mỏng, nhiều công việc phải làm, không bao quát hết được mọi lĩnh vực. Trong khi đó, BHXH có hệ thống đến tận cơ sở; do đó Chính phủ, Quốc hội nên cân nhắc bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi cho BHXH Việt Nam để giải quyết hết vướng mắc trong việc chi BHXH; giải quyết được những bất cập thời gian qua và góp phần làm trong sạch hơn hoạt động thu, chi BHXH, BHYT..."- ĐB Nguyễn Hải Anh kiến nghị.

Nguyệt Hà