Print

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Các đại biểu cùng hiến kế để thiết kế chính sách BHXH tối ưu nhất

Thứ Sáu, 03 /11/2023 12:33

Nêu ý kiến về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Luật phải bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW, là bước thay đổi căn bản, có tính chất cách mạng về chính sách BHXH.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong cải cách chính sách BHXH, Trung ương thống nhất cao ban hành Nghị quyết- đây là một bước thay đổi rất căn bản về chính sách BHXH theo hướng cải cách trước hết là để hình thành một chế độ BHXH đa tầng. Cụ thể gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất là tiền lương hưu trí từ thuế; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là BHXH tự nguyện kết hợp với BH theo kiểu thương mại, để hình thành một hệ thống đa tầng và tiến tới bao phủ BHXH toàn dân.

Để hình thành hệ thống BHXH đa tầng như vậy, thì ngay ở tầng thứ nhất, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28- NQ/TW. “Trước hết, chúng ta cần nhận diện bản chất của tầng mới này là một loại trợ cấp hưu trí xã hội, giống như trợ cấp cho NCT hiện nay cũng là từ NSNN”. Về mặt nguyên tắc, đối với tầng này, độ tuổi được hưởng sẽ ngày càng giảm xuống và giảm cho đến bao giờ chạm đến tuổi nghỉ hưu thì thôi, nhưng đồng thời mức trợ cấp sẽ ngày càng tăng lên, tùy vào khả năng của NSNN"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, quy định về nội dung này trong Dự thảo Luật phải có cách thức linh động, chứ không phải đóng khung. Có thể quy định theo hướng điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp xuống, mức hưởng cụ thể như thế nào thì nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ vào khả năng của NSNN. "Nên chăng chúng ta thiết kế vừa có quy định cụ thể, tức là mốc xác định hiện nay là 80 tuổi thì tiến tới có thể là 75 tuổi, còn sau này có thể nghiên cứu rút xuống nữa và tăng mức hưởng cụ thể là bao nhiêu...”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong 4 Điều, từ Điều 20 đến Điều 24 của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về trợ cấp hưu trí xã hội, phải quy định rõ khoản này là do NSNN đóng, nếu không quy định thì sau này khó thực hiện. “Nếu Nhà nước không đóng vào đây mà lại lấy quỹ BHXH ra để chi trả thì không được, vi phạm nguyên tắc đóng-hưởng. Chúng ta cần làm rõ, những đối tượng này có đóng, nhưng do Nhà nước đóng và phải từ ngân sách, giống như tiền trợ cấp của NCT hiện nay là từ ngân sách. Thực chất trợ cấp cho NCT trong Luật Người cao tuổi bây giờ chuyển sang Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì đấy là Nhà nước đóng từ thuế và thuế là do người dân đóng. Do đó, dứt khoát phải thiết kế rõ trong Dự thảo Luật đây là Nhà nước đóng”- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ quan điểm.

Thứ hai, theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu, tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi và có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

“Có một ý tương đối khó và có vẻ mâu thuẫn là tiền lương hưu tăng lên mà thời gian đóng BHXH lại rút xuống. Tại sao Trung ương lại quyết định như vậy? Là vì xu hướng thế giới là tiền lương ngày càng tăng lên, tức là tỷ lệ đóng trên “cái bánh” ngày càng to ra- số năm đóng thì ít, nhưng số tiền đóng thì nhiều, vì thu nhập và tiền lương của NLĐ sẽ ngày càng tăng lên, chứ không phải như hiện nay. Các nước phát triển đóng được 10 năm là vì tuổi hưu của họ dài, thu nhập cũng rất lớn, nên người ta đóng với mức rất lớn và do đó mức hưởng cũng như vậy"- Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.

Cũng vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tới đây chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương cũng phải cải cách cả khu vực công và khu vực tư. Việc giảm điều kiện hưởng lương hưu cũng là một trong những cách thức để hạn chế bớt tình trạng rút và hưởng BHXH một lần. "Trung ương nêu lộ trình tiến tới giảm còn 10 năm, bởi nếu đóng 20 năm như hiện nay thì nhiều người thấy xa xôi quá, giảm xuống 15 năm sẽ thấy còn có tương lai và tiến tới còn 10 năm thì càng có điều kiện, động lực để tham gia đóng BHXH”- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Về rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là nội dung được NLĐ đặc biệt quan tâm. Kinh nghiệm thế giới cũng như nhiều tài liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy nhiều nước không cho NLĐ rút BHXH một lần. Nguyên nhân là do đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội nhiều nước phát triển, chính sách BHXH có từ lâu đời, mức sống cao, lưới an sinh được bảo đảm, nên không có nhu cầu hoặc không quy định về rút BHXH một lần. Tuy nhiên, đặc điểm của Việt Nam có những khác biệt đòi hỏi có sự nghiên cứu để có phương án thiết kế chính sách phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm mà cần có thiết kế chính sách để cho người dân có quyền lựa chọn và có thể giữ chân được NLĐ ở lại với hệ thống BHXH. Theo đó, hạn chế rút BHXH một lần nhưng không thể cấm, bởi đó là nhu cầu thực tế của NLĐ, còn rất nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, cần có một khoản để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đồng thời, trong quy định rút BHXH một lần không nên phân biệt về thời điểm trước khi hay sau khi luật này có hiệu lực. Hiện, Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án và cũng có ý kiến đề nghị tích hợp 2 phương án lại. “Thiết kế chính sách cần thu hút được NLĐ, để NLĐ thấy được những lợi ích thiết thực và bảo đảm có quyền lựa chọn phương án tốt nhất. Các ĐBQH hiến kế để có cách thiết kế chính sách đảm bảo tối ưu cho nội dung này”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Liên quan đến quỹ BHXH, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách lớn nhất và dù ngoài ngân sách nhưng lại thông với ngân sách và do ngân sách bảo trợ. Do đó, cân nhắc sửa đổi tên Điều “Chi phí quản lý BHXH”, bởi trong thực tế hiện nay cho thấy, “chi phí quản lý BHXH” đang bao gồm chi cho cả nhân lực, chi thường xuyên, chi đầu tư, truyền thông, hoạt động nghiệp vụ… Như vậy, thực chất là chi cho tổ chức và hoạt động của quỹ này. Do vậy, Chính phủ nghiên cứu đổi tên điều luật để bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1, Điều 118 của Dự thảo Luật.

Vũ Thu