Giải Báo chí phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư: Vinh danh 54 tác phẩm đạt giải
Tối 5/11, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam- Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023).
Sau 2 năm tổ chức và triển khai, tính đến hết ngày 31/8/2023, BTC Giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 28 giải Khuyến khích.
Theo đánh giá của BTC, các tác phẩm tham dự giải năm nay đã bám sát chủ đề và tiêu chí, thể lệ giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Điểm mới của giải lần này là đã có thêm nhiều tác phẩm viết về đề tài phòng chống tiêu cực; biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
54 tác phẩm được Hội đồng Chung khảo xét chọn là những tác phẩm được điều tra công phu, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Nhiều tác phẩm ở thể loại báo in được Hội đồng Chung khảo đánh giá cao như: Loạt bài 5 kỳ về “Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” đăng Báo Bảo vệ pháp luật; loạt 4 bài về “Loại bỏ việc thi đua hình thức, “chạy chọt” khen thưởng đăng trên Báo Sài gòn Giải phóng; loạt 5 bài “Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm” đăng trên Báo Công an Nhân dân; Loạt 3 bài "Bóp méo và trục lợi chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam...
Nhiều tác phẩm ở thể loại báo điện tử được thể hiện thông qua những đề tài phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại như: Loạt bài 5 kỳ “Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội” đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận; loạt 4 bài "Cơn khát" thuốc điều trị, vật tư y tế: "Khi trăm dâu đổ đầu tằm" đăng trên Báo điện tử VietnamPlus; loạt 4 bài “Về sửa Luật Đất đai năm 2013” đăng trên Báo điện tử Pháp luật TP.HCM; loạt 4 bài về “Vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng ở Gia Lai” đăng trên Báo điện tử Bảo vệ pháp luật...
Các tác phẩm phát thanh cũng tập trung vào việc phát hiện, phản ánh những vụ việc nổi cộm về hàng loạt vật tư, thiết bị y tế “đắp chiếu” trong kho; hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được, trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu như: Loạt 3 bài “Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"? của Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 2 kỳ “Khi quy hoạch "ì ạch" của Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Nguyên; loạt 5 bài "Không để "voi đất đai" chui lọt "lỗ kim pháp lý" của Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Nai...
Đối với thể loại truyền hình, nhiều tác phẩm mang tính thời sự cao, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước như: Phim tài liệu: "Không lùi bước” của Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV1); loạt bài 3 kỳ “Rừng quốc gia Tam Đảo bị xâm hại- Ai chịu trách nhiệm?” của Truyền hình Nhân dân; tác phẩm “Một thập kỷ đơn thư” của Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An...
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các tác giả đoạt giải. Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, ông Nghĩa lưu ý một số vấn đề cần được tập trung thực hiện. Trước hết, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, phát huy vai trò của các đoàn thể, cơ quan quản lý cũng như mỗi cá nhân để cùng tham gia công tác này.
Nhấn mạnh phải tăng cường phối hợp và đồng hành giữa MTTQ Việt Nam với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, ông Nghĩa cho rằng, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục vướng mắc, kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, cần có cơ chế khen thưởng, tôn vinh kịp thời cơ quan, người lám báo dấn thân có đóng góp tích cực, tiếp tục đổi mới công tác chức giải thưởng, góp phần tiếp thêm sức mạnh cho người làm công tác này.
Thái An