Print

Các tổ chức nhân đạo chung tay giải quyết nạn nghèo đói toàn cầu

Thứ Hai, 06 /11/2023 14:39

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, có 648 triệu người, tương đương khoảng 8% dân số toàn cầu, sống trong cảnh nghèo đói. Trong những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của các Chính phủ, các tổ chức nhân đạo cũng góp phần nỗ lực chia sẻ khó khăn với người dân và cộng đồng đang phải chịu cảnh mất an ninh lương thực, thất nghiệp và nghèo đói.

Được thành lập vào năm 1942 tại Vương quốc Anh, đúng như tên gọi của mình, Oxfam International hoạt động trên toàn thế giới với 4.100 tổ chức đối tác để cung cấp sự hỗ trợ cho người dân 90 quốc gia. Oxfam International có cách tiếp cận mang tính cá nhân hơn trong việc chống đói nghèo, tập trung nhiều hơn vào cộng đồng địa phương và huy động người dân trong các cộng đồng này chống đói nghèo. Nhờ chiến lược này và phạm vi tiếp cận rộng rãi, Oxfam International đã hỗ trợ được 25 triệu người vào năm 2022.

Một số chiến dịch ấn tượng của Oxfam International là tạo ra một hệ thống phân phối để mang nước uống đến cho 50.000 người phải di dời ở Cộng hòa Trung Phi; góp phần đưa nhiều phụ nữ, thanh niên nghèo gia nhập thị trường lao động ở Benin để giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của họ trong đời sống kinh tế và văn hóa của đất nước; thông qua các chương trình nuôi ong ở Ethiopia, tạo cơ hội sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thu nhập và phá vỡ vòng nghèo đói… có thể nói, Oxfam International hoạt động trên toàn thế giới nhằm cải thiện cuộc sống và sinh kế cho những người cần.

Tổ chức Xóa đói giảm nghèo và phát triển (The Organization for Poverty Alleviation and Development, OPAD) được thành lập năm 2005 tại Thụy Điển, hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau nhằm cải thiện cuộc sống của những người gặp khó khăn. OPAD không chỉ cung cấp thực phẩm, nước uống mà còn hỗ trợ về văn hóa và tâm lý. Chẳng hạn, hỗ trợ giáo dục về lạm dụng rượu và cách nuôi dạy con cái ở Kenya; tích hợp lộ trình dành cho người tị nạn và lao động nhập cư mới ở Lithuania; giải quyết các vấn đề tâm lý của thanh niên thất nghiệp ở Latvia, bao gồm các kỹ thuật can thiệp, ứng phó và phòng ngừa…

Không chỉ vậy, OPAD hoạt động ở nhiều quốc gia và tạo ra các dự án, chương trình được thiết kế để giúp giải quyết các vấn đề cụ thể của từng quốc gia. Ví dụ, Lusaka (Zambia) đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến kiểu thời tiết cực đoan với các mùa mưa ngẫu nhiên, sau đó là các đợt hạn hán dữ dội. Trong khi đó, khoảng 90% lương thực của Zambia được sản xuất bởi nông dân. Vì vậy, OPAD đã giúp Zambia cải thiện lĩnh vực nông nghiệp và cung cấp cứu trợ lương thực, mang lại lợi ích cho 70.000 người trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2020. OPAD không coi các cộng đồng gặp khó khăn là “nạn nhân” mà là “tác nhân” mạnh mẽ của sự thay đổi.

Mặc dù chỉ hoạt động ở 25 quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là Concern Worldwide chưa đạt được nhiều thành tựu. Được thành lập tại Ireland vào năm 1968, Concern Worldwide nhằm mục đích giải quyết các nguyên nhân gây ra nghèo đói bằng cách tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm Sinh kế; Sức khỏe và Dinh dưỡng; Giáo dục; Trường hợp khẩn cấp; Bình đẳng giới; Khí hậu và Môi trường. Qua đó, thu hẹp mục tiêu giảm nghèo ở một quốc gia cụ thể và thực hiện các chương trình, dự án giúp người dân đạt được khả năng tự cung tự cấp và độc lập về kinh tế. Ví dụ, tổ chức này điều hành các chương trình sinh kế để giúp người dân thiết lập sinh kế vững chắc và các hoạt động tạo thu nhập để cộng đồng có thể phá vỡ vòng nghèo đói.

Vào năm 2022, các chương trình, dự án sinh kế của Concern Worldwide đã tiếp cận hơn 5,4 triệu người với tổng đầu tư 33,1 triệu euro. Tại Malawi, một quốc gia có 5,4 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, Concern Worldwide đã tiếp cận 288.000 người bằng sáng kiến an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Như vậy, bên cạnh nỗ lực của các Chính phủ, hoạt động của các tổ chức nhân đạo có ảnh hưởng khá lớn trong cuộc chiến không ngừng nghỉ chống lại đói nghèo toàn cầu. Sự cống hiến không ngừng nghỉ của nhiều bên tham gia đã góp phần tạo ra tác động đáng kể đến cuộc sống của rất nhiều người, hộ gia đình nghèo đói trên toàn thế giới.

Tùng Anh (Theo LHQ)