Print

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế- xã hội

Thứ Hai, 06 /11/2023 14:47

Chất vấn và trả lời chất vấn trong sáng 6/11, các ĐBQH đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, bất cập trong giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội; lãng phí trong sử dụng tài sản công sau các đơn vị sáp nhập…

Cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ

Tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là đã kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều vị ĐBQH đã nêu. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm; tiếp cận tín dụng còn hạn chế. “Đặc biệt, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được khắc phục triệt để; chất lượng dịch vụ KCB ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xử lý dứt điểm các dự án bệnh viện chậm tiến độ. Số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút BHXH một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao”- Phó Thủ tướng nêu.

Tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội cũng cho thấy, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ số quan trọng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc ban hành quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học và chủ yếu giảm từ số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Việc cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, một số chính sách về lao động, việc làm, BHXH chưa được hoàn thiện; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa có sự chuyển biến. Chất lượng lao động, năng suất lao động của lực lượng lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn lớn. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tình trạng NLĐ rút BHXH một lần vẫn có xu hướng tăng.

Giải pháp nào khắc phục việc chậm ban hành các văn bản

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với người có thu nhập thấp và công nhân tiến tới mục tiêu có 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đây là gói sử dụng nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng và từ người dân; lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. 18/63 UBND tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên Cổng Thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng. Song, đến nay các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành. Giải ngân gói này vẫn còn hạn chế là do nguồn cung về nhà ở thuộc đối tượng của chương trình này còn hạn chế, đặc biệt là cầu; nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay để mua nhà lại là một câu chuyện người dân phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Điều kiện được hưởng chính sách cũng chưa phù hợp với thực tế và chương trình thực hiện trong 10 năm, các khoản vay thường kéo dài nên lượng giải ngân vẫn còn thấp. “Ngân hàng Nhà nước đã có những kiến nghị và rất mong UBND các tỉnh quan tâm, sớm công bố các dự án nhà ở thuộc vào chương trình để hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai. Chúng tôi cũng sẽ tập trung để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân có thể nắm rõ”- bà Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Nêu chất vấn đầu tiên, ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu vấn đề: Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả đạt được còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều năm qua ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế. ĐB đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ, sử dụng NSNN cho giáo dục đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng như thế nào.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng), Dương Minh Ánh (Hà Nội), Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải quyết các quy định chồng lấn trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công; quản lý tài sản công. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quản lý tài sản công thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp. Ví dụ, các bộ, ngành quản lý, trách nhiệm thuộc Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ để quản lý tài sản công là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công của các bộ, ngành. Còn đa số mà tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, khi sắp xếp các huyện và xã thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh. Hiện nay đã xử lý khoảng 90% tài sản công, còn khoảng 10% với gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý (trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không gây lãng phí).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có một số chỉ tiêu chưa đạt như tăng năng suất lao động; cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa đạt hiệu quả. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy chuyển dịch các ngành, phát triển các ngành mới. Mỗi năm bố trí 14% ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục; kiên trì đầu tư cho con người, nhất là giáo dục đào tạo; sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư…

Nguyệt Hà