“Địa phương hóa” cơ sở lọc thận rất cần thiết
Gần 20 ngày kể từ khi hoạt động, đơn vị lọc máu ở TTYT huyện Cần Giờ (TP.HCM), vệ tinh của Khoa Thận nhân tạo BV Lê Văn Thịnh, đã phản ảnh rõ nét tính cần thiết của chủ trương “địa phương hóa” cơ sở lọc thận.
Nỗi niềm bệnh nhân
10h30 sáng ngày 6/11, chúng tôi có mặt ở đơn vị lọc máu (chạy thận nhân tạo) thuộc TTYT huyện Cần Giờ (TP.HCM). Đây là vệ tinh của Khoa Thận nhân tạo, BV Lê Văn Thịnh ở TP.Thủ Đức, hoạt động gần 20 ngày qua với 5 máy lọc máu.
BS.Minh Tuấn và bệnh nhân Kim Hoa
Một bệnh nhân nữ đang được điều dưỡng thực hiện các thao tác dừng lọc máu, chị Trầm Thị Kim Hoa (sinh 1976, trú xã đảo Thạnh An). Chị Hoa kể chúng tôi nghe hành trình lọc thận hồi tháng trước, khi nơi đây chưa có. Thạnh An là xã đảo duy nhất của huyện Cần Giờ và cả TP.HCM. Từ đảo đi đò vào đất liền mất cỡ 40 phút, tốn 15 nghìn đồng. Chị tới TTYT huyện Cần Giờ lọc máu xong, khoảng 11h trưa tới bến đò về lại đảo. “Giờ khỏe lắm. Trước đó thì phải thêm chặng phà Bình Khánh, rồi cả đoạn đường dài mới tới BV Nguyễn Tri Phương. Muốn về nhà phải qua hôm sau. Mệt ghê lắm”- chị Hoa so sánh.
20 ngày qua, chị Hoa cũng nhẩm bài toán cho mình. Viện phí thì không nói làm gì, vì nơi nào cũng vậy, cũng có BHYT hỗ trợ thanh toán. Nhưng phí đi lại mỗi tháng chị tiết kiệm hơn 2/3, là số tiền đáng kể. “Đang xài tiền của tụi nhỏ, nên bớt được đồng nào đỡ đồng đó...”- chị Hoa trải lòng.
Nhà chị Hoa toàn đi làm thuê mưu sinh. Chị nói gần 20 ngày qua gặp những người đồng bệnh, đồng hương Cần Giờ nơi đây, hỏi thăm nhau gia cảnh ai cũng vậy. Nằm cạnh chị Hoa là chị Nguyễn Thị Thẩm (sinh 1978, trú tổ Hòa Hiệp, xã Long Hòa, Cần Giờ). “Ở đây ai mà không khó”- chị Thẩm góp lời chia sẻ với chúng tôi.
Chị Thấm người nhỏ nhắn, đang thay đồ BV vì vừa kết thúc ca lọc máu. Chúng tôi giúp chị một tay, hỏi chị đi về gần xa, đi với ai. Chị nói có con trai út đón bằng xe gắn máy, chờ bên dưới. Thấy chị đi còn hơi run, chúng tôi bèn đưa chị xuống lầu, sẵn tiện theo chân tới thăm nhà luôn.
Nhà chị Thẩm cách TTYT huyện Cần Giờ cỡ 20 phút đi xe gắn máy, sau 2 lần quẹo hẻm là tới. Chị Thẩm ngồi xuống chiếc võng đặt nơi trung tâm căn nhà vừa nhỏ vừa trống trải. Chị thở hắt ra vì hơi mệt, tháo dần 2 garo xanh, đỏ trên tay (15 phút tháo nhẹ, sau 30 phút thì tháo hoàn toàn). “Được vầy là tui khỏe dữ lắm rồi đó. Tháng trước tui còn mệt hơn nữa”- chị Thẩm chia sẻ.
Lọc thận tuần 3 lần, thể trạng lại yếu ớt, chị Thẩm thuê luôn nhà trọ gần BV huyện Nhà Bè. Tiền trọ điện nước khoảng 1,3 triệu đồng. Chủ nhà trọ thấy gia cảnh chị nên thương, tháng nào cũng bớt còn tròn 1 triệu. Chị Thẩm thuộc hộ nghèo, con trai lớn đi dân quân xã, con trai út học hết lớp 9 phải nghỉ đỡ đần giúp mẹ. Chồng chị ai thuê hồ làm hồ, ai thuê đất làm đất, bữa được bữa thất. Mấy bữa không việc thì anh bắt cua, bắt ốc ngày kiếm vài chục ngàn cơm cháo. “Mà Cần Giờ mình riết rồi cua, ốc cũng đi đâu hết trơn hết trọi rồi...”- chị Thẩm lại thở dài.
Gia cảnh khó khăn, thân mang bệnh tuần 3 lần lọc thận nên sự thở dài của chị Thẩm nhiều lắm. Chị nhớ hồi còn khỏe, cũng làm lụng này nọ giúp anh nhà một tay kiếm thêm thu nhập, nay để anh gồng gánh cả. Nay đến tấm thẻ BHYT mà chị đang dùng cũng phải nhờ vào chính quyền cấp phát diện hộ nghèo.
Quyết tâm của bác sĩ
Bệnh nhân lọc thận ở Cần Giờ hầu như ai cũng khó khăn. Bởi vậy, khi đơn vị lọc máu ở TTYT huyện Cần Giờ đi vào hoạt động, bệnh nhân nào cũng mừng rỡ, vì nhờ chỗ lọc máu gần nhà mà tiền tốn ít, người khỏe nhiều. Để vận hành đơn vị vệ tinh ở TTYT huyện Cần Giờ, mỗi tháng Khoa Thận nhân tạo BV Lê Văn Thịnh cử kíp 4 nhân sự: 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 dược sĩ hành chính. Phía TTYT huyện cắt cử 1 nhân sự điều dưỡng để phục vụ và học nghề. Hiện từ thứ Hai đến thứ Bảy, 5 máy của đơn vị phải chạy 2 ca sáng, chiều mới lo đủ bệnh nhân.
Điều dưỡng Thanh Phước hướng dẫn điều dưỡng Cẩm Nhung kỹ thuật, kinh nghiệm vận hành máy lọc
“Ở đâu cũng phục vụ bệnh nhân, ở đây xa xôi cách trở ý nghĩa phục vụ càng lớn hơn. Vả lại, ngoài phục vụ bệnh nhân lọc thận duy trì tính mạng nơi đây, cả kíp còn sứ mệnh chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm... vận hành đơn vị với nhân sự TTYT huyện. Ý nghĩa công việc còn tăng gấp đôi, niềm vui vì vậy cũng lớn hơn rất nhiều...”- BS.Minh Tuấn cho biết.
Hiện TTYT huyện Cần Giờ đang sắp xếp nhân sự bác sĩ tiếp cận vận hành đơn vị thận nhân tạo. Riêng điều dưỡng thì đã có, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, người được tập huấn tại khoa Thận nhân tạo BV Lê Văn Thịnh trong 2 tuần, hiện đang thực hành lâm sàng tại đơn vị vệ tinh.
Theo điều dưỡng Hồ Thanh Phước (khoa Thận nhân tạo, BV Lê Văn Thịnh), quy định phải thực hành đứng máy lọc máu 6 tháng mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, để dày kinh nghiệm xử trí tình huống và tự tin đứng máy một mình thì phải cần thêm ít nhất ngần ấy thời gian được hướng dẫn thực hành nữa. Bởi vậy, cả hai bên học nghề và truyền nghề đều đang quyết tâm cao, để sớm đạt hiệu quả phục vụ bệnh nhân như mong muốn.
Liên quan đến vấn đề chuyển giao kỹ thuật và vận hành đơn vị vệ tinh ở TTYT huyện Cần Giờ, BS-CK2.Từ Kim Thanh- Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Lê Văn Thịnh, cho: Mỗi tháng nhân sự của khoa sẽ luân phiên làm việc tại đơn vị vệ tinh, đảm bảo hoạt động phục vụ bệnh nhân thận nhân tạo ở Cần Giờ liên tục, thông suốt. Dự kiến sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2025. Đơn vị lọc máu ở TTYT huyện Cần Giờ được BV Lê Văn Thịnh xây dựng từ các quy trình tương đương BV hạng I, với quy trình quản lý chất lượng thận nhân tạo đạt chuẩn chất lượng ISO 9001:2015. “Nói cách khác, bệnh nhân đang lọc thận ở TTYT huyện Cần Giờ hiện được nâng cao chất lượng lọc máu, chất lượng tinh thần và cả chất lượng kinh tế”- BS.Kim Thanh nhận định.
“Địa phương hóa” cơ sở lọc máu, hay chạy thận nhân tạo, để bệnh nhân ít tốn tiền, nhiều sức khỏe là chủ trương rất hay nhưng không dễ làm. Vậy nên, nỗ lực giúp cơ sở y tế bạn, giúp bệnh nhân của BV Lê Văn Thịnh thật đáng hoan nghênh. Trước TTYT huyện Cần Giờ, BV Lê Văn Thịnh đã giúp nhiều cơ sở y tế bạn cùng phát triển, cả trong địa bàn TP.HCM (BV huyện Nhà Bè, BV Quận 12...) lẫn các địa phương lân cận như Đắk Glong (Đắk Nông), Cần Giuộc (Long An)...
Thanh Giang