Print

Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động trong phòng vệ thương mại

Thứ Ba, 07 /11/2023 08:56

Theo thống kê, số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ, giai đoạn 2012-2022 có 172 vụ (tăng gần 3,5 lần).

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ, giai đoạn 2012-2022 có 172 vụ (tăng gần 3,5 lần).

Tính đến nay, tổng số các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do các nước khởi kiện là 234 vụ việc. Bà Nguyễn Hằng Nga- Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) cho biết, trong các vụ việc, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là Hoa Kỳ. Riêng năm 2022, Hoa Kỳ khởi xướng 11/35 vụ việc điều tra lẩn tránh với Việt Nam (gần 1/3 tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay).

Đáng nói, hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của ta tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Theo đó, các vụ việc điều tra yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, DN bị điều tra như yêu cầu về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung thông tin, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, điều tra phòng vệ thương mại gia tăng sẽ gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu và thương hiệu hàng Việt. Bởi, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra phòng vệ thương mại và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hoá của DN, các DN xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, DN cũng phải mất chi phí lớn để theo đuổi các vụ việc.

“Không chỉ vậy, các vụ việc còn gây bất lợi cho Việt Nam khi rơi vào tầm ngắm, nằm trong danh sách điều tra phòng vệ thương mại. Từ các thiệt hại đó, bản thân DN phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc tránh lợi ích nhóm, tiếp tay cho các mặt hàng 'mượn đường' xuất khẩu gây cản trở cho xuất khẩu hàng hoá của mình”- chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Để hỗ trợ các DN, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng hơn 10 mặt hàng. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể.

Theo bà Nga, Cục Phòng vệ thương mại đã cung cấp thông tin sớm giúp các DN hiểu được nguyên tắc, quy trình điều tra, các công việc cần thực hiện và các kịch bản có thể xảy ra để DN xây dựng chiến lược ứng phó”.

Ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm sau khi có Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện dựa trên những tiền đề đã có về cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh.

Hệ thống này đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ yếu, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, như: Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ,...

Cục Phòng vệ thương mại sẽ định kỳ lọc ra những mặt hàng nào có nguy cơ cao, có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Trên thực tế, có những mặt hàng sau khi Cục đưa ra cảnh báo một thời gian thì một số thị trường đã tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của Việt Nam. Ngay lập tức, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thông báo cho các DN để cung cấp thông tin, trao đổi trước với DN, các hiệp hội về khả năng, nguy cơ xảy ra và những công việc mà các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị trước.

"Các DN khi tham gia các vụ việc cần phải có sự tích cực, chủ động. Nước nhập khẩu khi đã tiến hành điều tra thì họ sẽ vẫn có những kết luận ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nhưng khi chủ động làm rõ thì mức độ tác động và ảnh hưởng được giảm thiểu đi rất nhiều"- ông Chu Thắng Trung cho hay.

H.Thủy