Print

Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đi lao động nước ngoài

Thứ Ba, 07 /11/2023 18:49

Trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, hiện chúng ta có những chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS, cụ thể trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào DTTS đi lao động nước ngoài.

Quan tâm đến đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài là người DTTS, ĐB Đinh Văn Thê (Gia Lai) nêu: Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, có 5% số lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài, trong tổng số 142.799 NLĐ trong cả nước hiện nay. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ tồn tại, hạn chế nguyên nhân đưa lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài.

Cho biết về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Hiện Việt Nam đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS, cụ thể trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào DTTS đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm học nghề, học ngoại ngữ. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này nhưng kết quả đưa thanh niên là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào DTTS nên nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về. Do đó, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm tìm giải pháp cho vấn đề này.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) về những giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian vừa qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 lao động nữ, nhất là ở các KCN, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, ảnh hưởng đặc biệt ở những ngành thâm dụng như giày da, dệt may; nhất là với lực lượng lao động nữ lớn tuổi. Sau phiên chất vấn ngày 6/6, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án và trình Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các chính sách để hỗ trợ vấn đề này; đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; Thủ tướng Chính phủ đã có một phiên làm việc với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam để giao cho Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam xây dựng đề án tiến tới hỗ trợ các chương trình, dự án, vay vốn để cho người đối tượng nữ lập nghiệp; giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn riêng tách để hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp. Thời gian tới Bộ tiếp tục quan tâm vấn đề này và sẽ sớm hoàn thành đề án này.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đề nghị làm rõ trách nhiệm và giải pháp thời gian tới nâng cao năng suất lao động. Thừa nhận năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu không đạt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để nâng cao năng suất lao động cần đổi mới công nghiệp; tăng cường vốn; nguồn nhân lực chất lượng cao (kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của NLĐ); tỷ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp.

V.Thu