Print

Nạn rệp hoành hành ở Hàn Quốc

Thứ Tư, 08 /11/2023 13:50

Các cơ quan trung ương và địa phương ở Hàn Quốc vừa phải triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn rệp đang ở mức báo động tại nước này.

Theo Yonhap, rệp gần như đã tuyệt chủng ở Hàn Quốc sau các chiến dịch khử trùng sâu rộng vào những năm 1960 và việc cho phép sử dụng loại thuốc trừ sâu mạnh DDT vào những năm 1970. Tuy nhiên, quốc gia này gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các báo cáo về sự xuất hiện và thiệt hại do rệp gây ra trên toàn quốc.

Sự chú ý của cộng đồng bắt đầu từ giữa tháng 9 khi một sinh viên thông báo bị rệp cắn trong ký túc xá Đại học Keimyung ở Daegu. Vào ngày 13/10, rệp và ấu trùng được tìm thấy trong một phòng tắm hơi ở Seo-gu thuộc Incheon. Loài côn trùng này cũng đã xuất và gây phiền toái cho dân chúng ở nhiều nơi, trong đó có thành phố Bucheon, tỉnh Gyeonggi, Yeongdeungpo-gu, Seoul và Busan.

Để ngăn chặn rệp, hôm 3/11, chính quyền Busan thông báo sẽ đăng hướng dẫn phòng chống rệp trên trang web thành phố, trong đó có thông tin về những nơi dễ bị loài bọ này tấn công. Trong khi đó, các nhà chức trách Seoul thúc đẩy nỗ lực phòng chống côn trùng thông qua "Dự án thành phố không có rệp". Chính quyền thành phố đưa ra hướng dẫn về phòng chống và xử lý rệp cho các cơ sở liên quan, khuyến nghị người dân khi gặp rệp có thể gọi điện thoại hoặc báo qua trang web của chính quyền.

Thành phố Seoul cũng có kế hoạch tiến hành kiểm tra đặc biệt tại 3.175 địa điểm, bao gồm các cơ sở lưu trú và phòng tắm hơi công cộng, để kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh như giặt ga trải giường và tần suất khử trùng. Các địa điểm công cộng đa dụng khác như tàu điện ngầm hoặc rạp chiếu phim sẽ thuộc diện kiểm tra. Đồng thời, Seoul có kế hoạch thay thế lớp phủ vải trên ghế tàu điện ngầm trong thời gian tới. Công tác kiểm tra sẽ kéo dài đến cuối năm 2023.

Các nhà chức trách tin rằng gia tăng du lịch nước ngoài hậu đại dịch COVID-19 cũng như việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại có thể đã làm bùng phát loài rệp hiện nay.

Kể từ ngày 1/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn thông tin phòng chống côn trùng gây hại cho những người đến từ các quốc gia được xác nhận đang bị rệp hoành hành, chẳng hạn như Pháp và Anh, cũng như các công ty nhập khẩu hàng hóa từ những quốc gia đó.

Tại Paris, các nhà chức trách cũng phải chật vật giải quyết triệt để nạn rệp vì khả năng chúng kháng thuốc trừ sâu và lan rộng qua đường du lịch. Có rất nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội và tin tức về rệp bò khắp mọi ngóc ngách của thành phố, từ ghế ở tàu điện ngầm đến ghế ngả ở rạp chiếu phim. Loài côn trùng này làm dấy lên lo ngại trên khắp Paris nói riêng và trên thế giới nói chung do số lượng du khách tới thành phố và có thể trở về nhà với rệp hút máu.

"Không ai an toàn", Phó Thị trưởng Paris, Emmanuel Grégoire thốt lên khi nói về nạn rệp trong thời gian diễn ra Tuần lễ Thời trang Paris, sự kiện cùng với các trận đấu thể thao lớn thu hút hàng trăm nghìn khách gây nguy cơ phát tán rệp sang các quốc gia khác.

Rệp không truyền các bệnh lây nhiễm, nhưng loài này hút máu người, thường vào ban đêm, gây khó chịu và các bệnh về da. Rệp thường trú ngụ trong đồ nội thất, trong các các vết nứt hoặc kẽ hở, sau giấy dán tường hoặc bất kỳ vật dụng nào xung quanh giường ngủ. Loài này lây lan nhanh vì mỗi con có thể đẻ tới 7 trứng mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 14 dấu hiệu ADN ở rệp khiến lớp vỏ của chúng trở nên dày hơn, ngăn các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể. Rệp cũng đã thay đổi hai trong số 200 axit amin ở các phần của lỗ chân lông, làm cho chúng có thể chịu được lượng thuốc gấp 250 lần lượng thuốc trừ sâu thường sử dụng. Ngoài ra, chúng còn tạo ra một hỗn hợp enzyme giải độc để phân hủy chất độc từ hóa chất.

Các chuyên gia cho rằng xử lý nhiệt vẫn là một cách hữu hiệu để loại bỏ rệp khỏi môi trường sống.  

Hoàng Dương