Print

Hàng trăm nhân viên y tế tử vong ở Dải Gaza

Thứ Năm, 09 /11/2023 13:18

Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier, hôm 7/11, cho biết khoảng 160 nhân viên y tế đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại Dải Gaza.

Cùng với thông tin trên, ông Lindmeier kêu gọi dỡ bỏ những hạn chế đối với hoạt động viện trợ y tế tại vùng lãnh thổ này. Hiện tại, nhiều bác sĩ ở Dải Gaza đang phải thực hiện các ca phẫu thuật mà không có thuốc gây mê.

Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến gồm 150 giường bệnh tại đây để giúp điều trị những người bị thương. Trước đó, hôm 6/11, hãng thông tấn WAM đưa tin 5 máy bay chở thiết bị và vật tư cho bệnh viện dã chiến này đã bay từ Abu Dhabi đến thành phố Arish của Ai Cập. Bệnh viện dã chiến sẽ bao gồm phòng gây mê, phòng phẫu thuật, phụ khoa và phòng chăm sóc đặc biệt để phục vụ cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, một quan chức cho biết hiện chưa có thông tin về cách thức vận chuyển những thiết bị đó đến Dải Gaza, nơi chỉ có một cửa khẩu duy nhất còn hoạt động là cửa khẩu Rafah gần thành phố Arish.

Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, có tới 4.000 trẻ em nằm trong số 10.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột Hamas- Israel bùng phát cách đây một tháng. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) xác nhận các cơ sở y tế tại Dải Gaza đã quá tải trong khi nguồn cung y tế bị thiếu hụt do xung đột. Hiện 14 trong số 35 bệnh viện có khả năng điều trị bệnh nhân nội trú đã ngừng hoạt động và 71% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Gaza đã phải đóng cửa vì hư hỏng hoặc thiếu nhiên liệu.

Cùng ngày 7/11, Jens Laerke- phát ngôn viên của OCHA phản ánh tình trạng dịch vụ tại Gaza sắp đạt đến "điểm giới hạn" do thiếu nguồn cung nhiên liệu. Theo quan chức này, không có xe chở nhiên liệu nào trong số 569 xe chở hàng viện trợ nhân đạo đến được Dải Gaza cho đến nay.

Cũng trong ngày 7/11, Điện Kremlin lên tiếng mô tả tình hình nhân đạo tại Dải Gaza là "thảm khốc" và kêu gọi thiết lập "khoảng dừng nhân đạo". Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục liên lạc với Israel, Ai Cập và Palestine để giúp đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo có thể được vận chuyển đến Gaza.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Dải Gaza đã mất ít nhất 61% tổng số việc làm (tương đương 182.000 vị trí) kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bùng phát ngày 7/10. ILO đồng thời cảnh báo tình trạng sụp đổ kinh tế sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tới.

"Đánh giá ban đầu của chúng tôi về hậu quả của cuộc khủng hoảng bi thảm hiện nay đối với thị trường lao động Palestine là nó đã gây ra những hậu quả cực kỳ đáng lo ngại. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn nếu xung đột tiếp tục. Các cuộc xung đột đang diễn ra không chỉ dẫn tới khủng hoảng nhân đạo to lớn xét về thiệt hại sinh mạng và các nhu cầu cơ bản của con người, mà còn gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, làm mất nhiều việc làm và hoạt động kinh doanh, gây ra những ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm tới", Giám đốc ILO phụ trách khu vực Ảrập Ruba Jaradat lên tiếng.

ILO cho biết thên, khu Bờ Tây cũng đã mất khoảng 24% việc làm (tương đương 208.000 vị trí) do tác động lan tỏa của chiến tranh. Cộng lại, tình trạng mất việc làm ở hai vùng lãnh thổ của Palestine sẽ dẫn đến thiệt hại thu nhập hàng ngày ước tính là 16 triệu USD.

Bà Jaradat nhấn mạnh, người dân ở Gaza phải được phép tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở.

Bị Israel phong tỏa từ năm 2005, kinh tế Dải Gaza đã khó khăn nghiêm trọng ngay cả trước khi cuộc xung đột mới nhất diễn ra. Tỷ lệ thất nghiệp tại vùng lãnh thổ này trong quý 2/2023 ở mức 46,4%, tỷ lệ cao nhất thế giới.

Ngọc Tuấn