Print

Thách thức chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ Năm, 09 /11/2023 16:12

Nông nghiệp hiện đại phải phù hợp với bối cảnh mới là giảm phát thải, sản xuất theo chuỗi giá trị tuần hoàn, phát triển sinh kế cho nông dân…

Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam diễn ra ngày 9/11/2023, tại Hà Nội. Sự kiện do Tổ chức Tài chính quốc tế IFC và Ngân hàng Thế giới (WB), phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức, nhằm tìm giải pháp để phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông dân Việt Nam trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang ở ngưỡng cửa cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ NN& PTNT cho biết, lợi ích của chuyển đổi số là không thể tranh cãi. Nó không chỉ giúp cho người nông dân tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng, giúp họ áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường sự quản lý và giám sát chặt chẽ các quy trình sản xuất mà còn giúp toàn bộ các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất cùng được hưởng những giá trị mà số hóa mang lại.

Hơn nữa, chuyển đổi số còn góp phần tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng đến thu hoạch và phân phối. Khi chúng ta đang hướng tới sản xuất sạch, hiệu quả và tiên tiến, chúng ta đang xây dựng một nền nông nghiệp bền vững cho tương lai - một nền nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và đóng góp tích cực vào an ninh lương thực của đất nước và thế giới.

Theo thống kê, ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kinh của cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp còn có tiềm năng góp phần vào việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải rằng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 của Việt Nam.

Bà Carrie Turk- Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam đánh giá: nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong một vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết để phát huy tiềm năng phát triển của ngành và góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Đại diện WB nhận xét: “Việt Nam mới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp và Chính phủ đã bắt đầu sử dụng dữ liệu và ứng dụng kỹ thuật số để đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách và đầu tư. Đây cũng là cơ hội quý giá và hiếm có để giúp ngành nông nghiệp phát huy hết tiềm năng và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước. Cơ hội này nằm ở sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này…”.

Tại Diễn đàn các chuyên gia đã thảo luận về những giải pháp bền vững và thiết thực cho nông dân sản xuất nhỏ của Việt Nam. Những giải pháp này bao gồm số hóa chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc cấp chứng nhận và nâng cao tính hấp dẫn của các mặt hàng nông sản đối với các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm đa quốc gia và thị trường nước ngoài. Ngoài ra, những chuyên gia đầu ngành cũng chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về chuỗi cung ứng nông nghiệp phát thải cacbon thấp, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai của ngành nông nghiệp và những thách thức trong việc số hóa chuỗi cung ứng với đa phần là các nông hộ nhỏ của Việt Nam.

Ông Thomas Jacobs- Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia và Lào cũng đặc biệt khuyến nghị: ngành nông nghiệp cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp khoảng 20% lượng phát thải khi như kính hàng năm của cả nước.

Giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải rộng bằng 0 vào năm 2050, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và mang lại sinh kế bền vững… Công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp về đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Chính phủ, nông dân, các công ty kinh doanh nông nghiệp và các bên liên quan chủ chốt khác trong lĩnh vực nông nghiệp cần chung tay hành động…

Thái An