Print

Thanh niên 31 tuổi hết liệt nhờ chữa lành “dị dạng mạch máu tủy”

Thứ Năm, 09 /11/2023 16:16

BV S.I.S Cần Thơ vừa chữa trị thành công trường hợp dị dạng mạch máu tủy.

Tháng 7/2023, anh V.V.P (sinh 1992, trú huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) ngã bệnh, nửa dưới thân người từ bụng trở xuống mất dần cảm giác. Sau đó, vấn đề đi lại trở nên khó khăn, phải dùng đến xe lăn. Qua 3 tháng đi nhiều cơ sở y tế, với nhiều chẩn đoán khác nhau, điều trị đủ cách nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Anh P. bị dị dạng mạch máu tủy, một bệnh lý bẩm sinh

Được người quen giới thiệu BV S.I.S Cần Thơ chuyên xử trí đột quỵ, gia đình anh P. quyết định đưa con trai từ Bắc vào Nam tìm cơ hội. Cuối tháng 10 vừa qua, anh P. được TS.BS.Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu phía Nam về can thiệp thần kinh, mạch máu thăm khám. “Đây là trường hợp dị dạng mạch máu tủy khá điển hình, BV đã điều trị thành công khá nhiều trường hợp tương tự”- BS.Cường đánh giá kỹ lưỡng kết quả MRI và đưa ra nhận định.

Đầu tháng 11, các chuyên gia BV S.I.S tiến hành can thiệp. Sau hơn 120 phút, ổ dị dạng mạch máu tủy khá khó và phức tạp đã được xử trí ổn thỏa. “Chúng tôi dùng ống thông siêu nhỏ đường kính chưa đầy 1mm, qua động mạch tủy đi vào búi dị dạng vùng tủy ngực và bơm keo gây tắc hoàn toàn…”- BS.Cường thông tin.

Được biết, trong lúc các chuyên gia can thiệp, anh P. hoàn toàn tỉnh táo và không cảm thấy đau đớn. Sau khi được điều trị, sức khỏe anh hồi phục rất nhanh. Sau can thiệp 8 ngày, anh đã có thể nhấc từng bước trên chính đôi chân của mình, điều mà chỉ mới gần 3 tháng trước anh không dám nghĩ tới.

Theo chuyên gia, dị dạng mạch máu tủy là bệnh lý bẩm sinh rất hiếm gặp. Bệnh thường có diễn tiến âm thầm và có biểu hiện giống các bệnh thông thường của cột sống, như đau lưng, tê yếu 2 chân, giảm cảm giác 2 chân… Vì vậy, khi chẩn đoán dễ nhầm lẫn với bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.

Trường hợp nặng sẽ diễn tiến đến tàn phế liệt 2 chân, tiêu tiểu không tự chủ. Việc chẩn đoán xác định bệnh mạch máu tủy chủ yếu dựa vào MRI có mức từ trường cao tối thiểu 1.5 Tesla và đôi khi cần phải bơm thuốc… Dấu hiệu điển hình trên MRI là các mạch máu giãn ngoằn ngoèo gọi là dấu hiệu “Flow void”. Việc điều trị chủ yếu hiện nay là dùng phương pháp can thiệp nội mạch. Một số trường hợp cần phẫu thuật, phối hợp điều trị nội khoa chống phù tủy, vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi đã kiểm soát được khối dị dạng…

Chuyên gia khuyến cáo, khi có dấu hiệu đau lưng kéo dài, tê yếu 2 chân, mất cảm giác, tiểu không kiểm soát, nhất là ở trẻ em và người trẻ, nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu để thăm khám, điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Thanh Giang