Print

BHYT chi trả cho điều trị vô sinh hiếm muộn: Điều kiện cần và đủ nào?

Thứ Sáu, 10 /11/2023 15:59

Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội trong hơn 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, hiện Việt Nam lại đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.

Mức sinh thấp đe dọa an sinh xã hội

Sáng ngày 10/11/2023, Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình (Bộ Y Tế), Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế- Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số; trong đó, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi có 2,1 con từ năm 2006 và duy trì cho đến nay”. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị- nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đơn cử như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất trong việc sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại khi Việt Nam là một trong các quốc gia tỷ lệ vô sinh cao. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thủ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. “Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tể, lao động, việc làm và an sinh xã hội”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ. nếu không tạo ra nguồn tiết kiệm đủ lớn để chuẩn bị cho tương lai không xa khi lực lượng lao động hiện nay về hưu thì hậu quả đối với xã hội rất khó lường.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển bền vững là chủ trương toàn diện, đồng bộ các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Vì vậy, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Chương trình đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao.

Nghị quyết số 21 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ nhất là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người”.

Đề xuất định hướng chính sách về mức sinh để đạt mục tiêu này, ông Mai Trung Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Tổng cục DSKHHGĐ), cần đổi mới toàn diện nội dung các chương trình giáo dục dân số. Trong đó tập trung vận động sinh ít con ở vùng, đối tượng có mức sinh cao. Tuy nhiên, các nhiệm vụ ưu tiên cho vùng mức sinh thấp cần thay đổi từ cơ chế chính sách, cũng như các nội dung hỗ trợ, khuyến khích.

Về cơ chế, chính sách, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.

Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm được Tổng cục DSKHHGĐ đề xuất như: hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình. Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con. Hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Tại Hội thảo, Bộ Công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực Châu Á- Thái Bình dương do Tổ chức Economist Impact nghiên cứu đã được công bố. Bộ Công cụ là một phần quan trọng trong dự án toàn cầu Fertility Counts- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tải trợ của Merck Healthcare. Đây sẽ là một công cụ giúp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em, Chính sách tại nơi làm việc, Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản.

Ông Alexandre de Muralt- Phó Chủ tịch châu Á– Thái Bình Dương Merck Healthcare, chia sẻ với tư cách là đại diện Công ty dược phẩm hàng đầu thế giới về lĩnh vực điều trị hỗ trợ sinh sản cũng chia sẻ: “Với Dự án Fertility Counts, chúng tôi muốn góp phần tạo những giá trị xã hội gia tăng, bao gồm tạo ra các mầm sống, cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giáo dục về nhận thức sinh sản, cũng như chẩn đoán và tiếp cận điều trị hiếm muộn sớm cho các cặp vợ chồng mong con ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hy vọng, những đề xuất về chính sách hỗ trợ sinh sản có thể đóng góp vào các chính sách về dân số hợp lý và hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai”.

BHYT có thể chi trả cho điều trị vô sinh hiếm muộn?

Đề cập tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang ở mức 7,7%, GS.TS.Hồ Sỹ Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến mắc sinh thấp, bên cạnh tỷ lệ vô sinh còn có nguyên nhân từ những lo ngại về khả năng kinh tế, chi phí nuôi dạy con cái của nhiều gia đình. Thực tế tỷ lệ vô sinh không tăng lên nhiều, nhưng đây cũng là nhóm đối tượng khá lớn góp phần tác động vào tỷ lệ sinh ở Việt Nam. Thực tế, đang có nhiều chính sách để tạo kiện thuận lợi hỗ trợ sinh sản như ban hành các nghị định; khuyến khích và tạo điều kiện đào tạo nhân lực; thành lập các cơ sở khám chữa bệnh; chính sách BHXH...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia chưa có chính sách BHYT chi trả cho điều trị vô sinh hiếm muộn. GS.TS.Hồ Sỹ Hùng cũng chỉ rõ, điều đó có thể xuất phát từ thực tế là tỷ lệ sinh tại Việt Nam trước đây rất cao, và mới có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, vô sinh không phải là một bệnh mà chỉ được xác định là một tình trạng. Đặc biệt là điều kiện nguồn lực xã hội vẫn còn thấp, chưa đủ chi trả cho tất cả các dịch vụ... Vậy nhưng hiện nay thực trạng dân số đã có sự thay đổi, chúng ta đang bắt đầu tìm giải pháp khuyến khích sinh con. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã thực hiện BHYT chi trả cho vô sinh, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam có thể xem xét khuyến khích tăng tỷ lệ sinh bằng các chi trả bảo hiểm, giảm viện phí...

Tham gia chia sẻ tại hội nghị với vai trò chuyên gia về chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đánh giá:

Câu chuyện tăng mức sinh mới được đề cập đến trong mấy năm gần đây, và không phải ai cũng hiểu hết những gánh nặng mà già hóa dân số mang lại. Thực tế các chính sách BHXH hỗ trợ bà mẹ đã tăng lên đáng kể như: tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, ngoài chế độ trợ cấp còn đóng BHYT cho người mẹ; quy định mẹ được nghỉ làm chăm sóc khi con ốm... Chính sách BHYT cũng đang chi trả hàng ngàn dịch vụ y tế, với tổng chi phí dự kiến năm 2023 lên tới 150.000 tỷ đồng.

Về việc tương lai BHYT có chi trả cho hỗ trợ sinh sản hay không, ông Phúc cho rằng, vấn đề này cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét trên cơ sở đánh giá ngân sách; tác động của chính sách mới đến quỹ BHYT, năng lực tài chính; xem xét để có các quy định phù hợp mức hỗ trợ như thế nào theo từng nhóm đối tượng... Bên cạnh đó, Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi, và đang thảo luận về BHYT bổ sung. Có thể cân nhắc BHYT bổ sung mở rộng cho điều trị vô sinh cũng là một giải pháp.

Tham gia thảo luận thêm về nội dung này, GS.BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng đề xuất: Cần có giải pháp làm sao để quỹ BHYT “to” hơn, thay vì bị bó hẹp nguồn lực như hiện tại, từ đó mở rộng dịch vụ sinh sản được hỗ trợ vào danh mục được BHYT chi trả. Hoặc có thể xem xét việc thành lập nguồn quỹ từ sự đóng góp của các cặp vợ chồng từ khi kết hôn...

Khẳng định mức sinh thấp ở Việt Nam đang hiện hữu, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cũng cho biết thêm: thực tế cũng cần được nhìn nhận là đâu đó có thực trạng là nơi có chất lượng dân số thấp thì có mức sinh cao, còn nơi có chất lượng dân số cao thì mức sinh lại thấp. Thực tế trên đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết vấn đề mức sinh đối với từng vùng, khu vực cụ thể...

Giải quyết vấn đề mức sinh thấp tại Việt Nam cần được tiếp tục bàn thảo, nghiên cứu và có chính sách tầm quốc gia. Dẫn chứng về sự vận động liên tục, phù hợp với thực tế của chính sách như Luật hóa việc mang thai hộ, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng tự sinh đẻ, ông Tiến bày tỏ hy vọng trong điều kiện cần và đủ, vấn đề BHYT chi trả cho người vô sinh hiếm muộn sẽ có chính sách hợp lý, phù hợp thực tế và mang ý nghĩa nhân văn...

Thái An