Tập trung bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh mới
Ngày 13-14/11, tại Quảng Ninh, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Diễn đàn Chính phủ- phi Chính phủ về phúc lợi xã hội và phát triển lần thứ 18. Với chủ đề “An sinh xã hội thích ứng với bối cảnh mới”, Diễn đàn nhằm trao đổi về những thách thức mà các hệ thống an sinh xã hội đang phải đối mặt và những biện pháp ứng phó, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật (NKT).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lưu Quang Tuấn- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 không đồng nghĩa dịch bệnh đã biến mất, mà các quốc gia nên tập trung vào các chiến lược quản lý, kiểm soát và phòng dịch một cách bền vững, lâu dài hơn.
Bên cạnh đó, những bài học vô giá được rút ra sau đại dịch cần được đưa vào các chính sách, kế hoạch và hệ thống an sinh xã hội quốc gia cả trong trung và dài hạn, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, các nước cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng đến những xu hướng mới nổi trong khu vực như thay đổi nhân khẩu học, di cư, tác động của biến đổi khí hậu và tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng, cùng với tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng.
Theo ông Tuấn, đây là những vấn đề đang có những tác động đáng kể và đòi hỏi sự đáp ứng từ hệ thống và biện pháp an sinh xã hội của các nước thành viên ASEAN. “Với tinh thần cởi mở, chân thành và thẳng thắn, các đại biểu tham dự diễn đàn sẽ cùng nhau trao đổi các quan điểm để xây dựng và hoàn thiện các khuyến nghị của diễn đàn.
Đây sẽ là những nội dung đầu vào cho các thảo luận tiếp theo của quan chức cấp cao cũng như là nền tảng để các Bộ trưởng ASEAN đưa ra các chính sách an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương”- ông Tuấn đề nghị.
Tại Diễn đàn, ông Đặng Văn Thanh- Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, các tổ chức phi chính phủ đã tích cực tham gia xây dựng các văn kiện về an sinh xã hội của ASEAN. Đại diện cho NKT Việt Nam, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến và gửi cho Bộ LĐ-TB&XH- với vai trò là cơ quan chủ trì tổng hợp để tham gia vào việc xây dựng các văn kiện khu vực liên quan đến NKT.
Cụ thể như: Tuyên bố Bali về tăng cường vai trò và sự tham gia của NKT trong Cộng đồng ASEAN; Thập kỷ ASEAN của NKT 2011-2020; Tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội; Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của NKT...
Đây là những tuyên bố, kế hoạch quan trọng, mang tính định hướng và góp phần đáng kể trong thúc đẩy quyền của NKT không chỉ tại mỗi quốc gia thành viên, mà trong toàn khu vực ASEAN. “Việc tổ chức diễn đàn góp phần thực hiện các mục tiêu lâu dài và các cam kết trên của các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; thể hiện ở việc Chính phủ và phi Chính phủ, DN và người dân cùng nhau hành động để đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công bằng, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân”- ông Thanh chia sẻ.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về thực trạng chính sách, pháp luật cũng như những điển hình tốt về an sinh xã hội để đáp ứng các xu hương mới nổi trong ASEAN và trên thế giới. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để tăng cường các biện pháp nhằm phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội tiếp cận, hòa nhập, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương phụ nữ, trẻ em, NKT và người cao tuổi. Theo đó, các khuyến nghị tại Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị SOMSWD lần thứ 19 vào ngày 15-17/11/2023 để ghi nhận.
Vũ Thu