Print

Biểu tình căng thẳng ở “xưởng may thế giới”

Thứ Hai, 13 /11/2023 15:25

Bangladesh đang chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực khi hàng nghìn người trong các xưởng may đổ ra đường đòi tăng lương cho 4 triệu công nhân trong ngành này.

150 nhà máy may mặc tại Bangladesh phải đóng cửa ngày 11/11, trong khi cảnh sát ra lệnh khởi tố 11.000 công nhân vì liên quan tới các cuộc biểu tình bạo lực đòi tăng lương tối thiểu.

Trong 2 tuần bạo lực kéo dài, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, dẫn đến cái chết của 3 công nhân. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, trong khi cảnh sát ra lệnh khởi tổ hàng nghìn người vì liên quan tới bạo lực.

"Các cuộc biểu tình đang leo thang và ngày càng trở nên bạo lực hơn", Christina Hajagos-Clausen, Giám đốc tại nghiệp đoàn IndustriALL Global Union bao gồm nhiều công đoàn ở Bangladesh, cho biết.

Hôm 7/11 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Bangladesh đã công bố mức tăng lương lên thành 113 USD/tháng cho công nhân ngành may mặc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/12. Tuy nhiên, phía các công nhân không đồng ý vì cho rằng tiền lương không theo kịp lạm phát trong 5 năm qua. Theo Cục Thống kê Bangladesh, trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023, lạm phát tăng lên 9%- mức cao nhất trong 12 năm.

Tại Bangladesh hiện nay, một công nhân xưởng may cho các thương hiệu lớn kiếm được 95 USD/tháng. Họ muốn lương tăng lên mức 208 USD/tháng. Để so sánh, mức mới này vẫn thấp hơn lương hằng tuần mà người Mỹ nhận được theo mức tối thiểu liên bang là 7,25 USD/giờ trước thuế.

"Mức lương này là không thể chấp nhận. Chúng tôi cảm thấy thông báo từ Hội đồng Tiền lương đang sỉ nhục công nhân ngành may mặc. Nó không hợp lý. Nếu mức lương tối thiểu không được thiết lập hợp lý, sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn lao động. Và đây là điều không mong muốn đối với cả người lao động, người sử dụng lao động hoặc nhà nước", Narza Akter- Chủ tịch Liên đoàn May mặc Sommilito Sramik, một trong những công đoàn lớn nhất Bangladesh bày tỏ quan điểm.

Các cuộc biểu tình đã buộc nhiều nhà máy ở Bangladesh phải đóng cửa, khiến trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc này tê liệt. Hàng chục người biểu tình đã phải nhập viện. Thông tin cho biết, một người biểu tình đã đốt cháy một nhà máy khiến công nhân 32 tuổi Imran Hossain thiệt mạng và cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát dẫn đến cái chết của Rasel Howlader, 26 tuổi.

Phần lớn công nhân may ở Bangladesh xuất thân từ tầng lớp nghèo và dễ bị tổn thương. Tuy từ lâu tồn tại nhiều vấn đề nhưng ngành may mặc Bangladesh vẫn chưa chứng kiến các cuộc biểu tình có mức độ bạo lực nghiêm trọng như vậy trong khoảng 10 năm qua sau thảm họa sập nhà Rana Plaza (tòa nhà 9 tầng chen chúc các xưởng may gặp sự cố khiến khoảng 1.100 người, chủ yếu là phụ nữ, thiệt mạng). Các điều kiện làm việc đã được cải thiện kể từ đó, và tiền lương cũng tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành may mặc đã vượt xa rất nhiều. Theo nhóm tư vấn McKinsey, xuất khẩu quần áo từ Bangladesh đã tăng từ 14,6 tỷ USD năm 2011 lên 33,1 tỷ USD vào năm 2019.

Gần như tất cả người tiêu dùng mua quần áo sản xuất tại Bangladesh đều ở nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019, xuất khẩu hàng may mặc chiếm 84% tổng thu nhập xuất khẩu của Bangladesh, nước đang có tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2031.

Các thương hiệu lớn của thế giới không sở hữu bất kỳ nhà máy nào ở Bangladesh, thay vào đó họ ký hợp đồng với các chủ nhà máy tại địa phương và các chủ này sẽ thanh toán mọi chi phí trả trước như vật tư, cơ sở vật chất và nhân công.

Tháng trước, các thương hiệu lớn đã gửi thư tới Thủ tướng Bangladesh kêu gọi đàm phán hòa bình và kêu gọi mức lương tối thiểu mới để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động. Hiện ở Bangladesh, mức lương tối thiểu được xem xét 5 năm/lần.

Ngọc Tuấn