Phát huy nguồn lực của kiều bào phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới
Xác định nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào) là một nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài, cần được tranh thủ để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào) ở trên 130 quốc gia trên thế giới. Cộng đồng kiều bào Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm song vẫn vươn lên để khẳng định mình, cơ bản thành công, được tôn trọng ở quốc gia sở tại.
Trong nhiều năm qua, kiều bào được Chính phủ và Nhân dân coi trọng, coi là một bộ phận có tính chiến lược trong công tác đại đoàn kết dân tộc, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, phát huy nguồn lực của kiều bào phải gắn liền với quan điểm của Đảng, Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của kiều bào. Các chính sách, biện pháp thu hút nguồn lực chủ yếu dựa trên yếu tố gắn kết lợi ích, ý thức hướng về cội nguồn, lòng yêu nước, khuyến khích đóng góp mang tính tự nguyện của cộng đồng.
Chính phủ đặt mục tiêu huy động nguồn lực kiều bào tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước; củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng kiều bào đóng góp cho đất nước.
Cụ thể, xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể cơ bản, lâu dài nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực kiều bào; tạo môi trường, cơ chế, xây dựng hành lang pháp lý trong nước để kiều bào yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước; tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững khuyến khích kiều bào tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng; củng cố mạng lưới kiều bào trên toàn thế giới; hỗ trợ cộng đồng kiều bào phát triển, có vị thế ở sở tại; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, thông tin, trao đổi với kiều bào, quản lý lao động, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
Đề án Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới cũng đề ra các nhóm giải pháp, bao gồm: Nâng cao nhận thức, chính sách, tổ chức và cơ chế phối hợp về công tác thu hút nguồn lực của kiều bào phục vụ phát triển; Giải pháp riêng đối với từng đối tượng, loại nguồn lực trong việc thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài kiều bào và lao động người Việt trở về nước; Giải pháp bồi dưỡng, phát triển cộng đồng kiều bào ở quốc gia sở tại.
Trong đó, giải pháp bồi dưỡng, phát triển cộng đồng kiều bào ở sở tại tập trung vào thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế và chính quyền các quốc gia có người Việt Nam sinh sống để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của kiều bào. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và sở tại để hỗ trợ cộng đồng kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại. Củng cố, phát triển các hội đoàn chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào làm nòng cốt, dẫn dắt sự phát triển của cộng đồng ở sở tại, thu hút nhóm kiều bào đã thành đạt ở sở tại tham gia trợ giúp nhóm còn yếu thế. Đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt, truyền thụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết thế hệ trẻ kiều bào với trong nước.
Tùng Anh