Print

Sinh viên Trung Quốc tạm gác giấc mơ nghề nghiệp, nhận “công việc phúc lợi” của Chính phủ

Thứ Năm, 16 /11/2023 15:02

Tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông tại một trường Đại học ở Thủ đô Bắc Kinh, sau một thời gian dài không tìm được công việc mơ ước trong lĩnh vực được đào tạo, Peter Lưu, 24 tuổi, quyết định về quê nhà ở tỉnh Hà Nam và ứng tuyển làm việc tại một thư viện công. “Công việc thủ thư rất buồn tẻ vì thư viện bây giờ rất ít người có nhu cầu tìm đến nhưng thật sự rất khó để kiếm được việc làm ở các công ty lớn, dù chuyên ngành của tôi được đánh giá là khá thời thượng”- Peter Lưu buồn rầu cho biết.

Vị trí thủ thư của Peter Lưu là một trong những “công việc phúc lợi” của Chính phủ Trung Quốc nhằm đảm bảo thu nhập tạm thời cho sinh viên mới tốt nghiệp- đây được coi là giải pháp ngắn hạn nhằm góp phần duy trì sự ổn định xã hội, cũng như thị trường lao động, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển chậm lại và có rất ít cơ hội việc làm dành cho giới trẻ.

Ích lợi của “công việc phúc lợi”

“Công việc phúc lợi” theo chương trình của Chính phủ Trung Quốc bao gồm các vị trí như lễ tân, nhân viên văn phòng, nhân viên bảo vệ, tình nguyện viên các dự án cộng đồng… do cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế- xã hội cung cấp hằng năm. Ban đầu, những công việc này thường ưu tiên đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như người nghèo, người cao tuổi hoặc người khuyết tật. Song do cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở giới trẻ ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc- ngay cả vị trí việc làm ở vùng nông thôn hẻo lánh cũng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt từ sinh viên có bằng tốt nghiệp từ các trường Đại học hàng đầu hay cựu sinh viên đã có kinh nghiệm dạn dày- nên chương trình nới lỏng dần đối tượng thụ hưởng.

Theo các nhà phân tích, “công việc phúc lợi” là giải pháp có lợi nhiều bề. Một mặt, có thể hỗ trợ hiệu quả NLĐ trẻ trong sinh kế trước mắt; một mặt, giúp họ tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện chuyên môn và kỹ năng mềm, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu khi nền kinh tế phục hồi. Thế nhưng, điểm kém hấp dẫn của “công việc phúc lợi” là mức lương không được cao. Trung bình, hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm chỉ được trả từ 2.000- 3.000 NDT (tương đương 275- 412 USD/tháng) mỗi tháng, bằng mức lương tối thiểu vùng. Mức lương này kể cả bao gồm bữa trưa miễn phí thì vẫn thấp hơn nhiều so với mức mong đợi trung bình của NLĐ trẻ về mức lương khởi điểm ở công việc đầu tiên (theo khảo sát của Công ty Tuyển dụng Liepin, mức lương khởi điểm ở công việc đầu tiên của NLĐ trẻ là vào khoảng 8.033 NDT)/tháng).

Tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ sẽ còn tồn tại khá lâu

Vừa qua, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc công bố một chương trình việc làm mới hướng tới mục tiêu đáp ứng công việc cho 1 triệu lao động trẻ với hi vọng cải thiện thị trường lao động. Trong năm 2023, Trung Quốc cũng giảm bớt một số gánh nặng pháp lý đối với lĩnh vực công nghệ, bất động sản và tài chính- những lĩnh vực có truyền thống tuyển dụng NLĐ trẻ và NLĐ trẻ chất lượng cao- nhằm tạo điều kiện để người SDLĐ xem xét tăng chỉ tiêu tuyển dụng. Tổng số “công việc phúc lợi” năm 2024 chưa được công bố; tuy nhiên, cũng có cảnh báo, cơ quan Nhà nước- nơi cung cấp 1/5 số việc làm ở khu vực thành thị Trung Quốc- chỉ có thể tạm thời giảm bớt áp lực cho thị trường lao động trong ngắn hạn, tương lai cần những giải pháp mang tính lâu dài hơn.

Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ NLĐ trẻ thất nghiệp cao vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi sinh viên Đại học trở về thành phố sau thời gian bị phân xuống làm việc tại nông thôn dưới thời Mao Trạch Đông; cũng như vào cuối những năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu thu hẹp các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả. Bây giờ, có vẻ như thời kỳ khó khăn cho NLĐ trẻ đang lặp lại. Một sinh viên nữ họ Trần, 23 tuổi, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sư phạm, cho biết hồi tháng 8/2023, cô phải đánh bại hơn chục ứng viên để giành được vị trí thư ký tại một trung tâm nông nghiệp địa phương thuộc tỉnh Trùng Khánh: “Tôi mong muốn trở thành giáo viên nhưng giờ tôi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng cách giữa ước mơ và thực tế quả là rất lớn”.

Các sinh viên đang làm “công việc phúc lợi”, như Peter Lưu hay cô Trần, có lẽ đều đang tận dụng những ngày làm việc nhàn nhã trong khu vực công của mình để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi công chức Nhà nước năm 2024. Kỳ thi này có tính cạnh tranh rất cao, hiện đã thu hút 2,6 triệu người nộp đơn, đây là một kỷ lục trong lịch sử kỳ thi. Nếu vượt qua, họ sẽ bước đi trên một trong những con đường sự nghiệp được mong muốn nhất ở Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, thường được gọi là cầm “bát cơm vàng” để ổn định cuộc sống. “Tôi chưa bao giờ mong đợi sẽ theo đuổi sự nghiệp trong khu vực công nhưng ít nhất hiện tại tôi rất vui vì mình có thể có cơ hội đó. Tôi không muốn bố mẹ thấy tôi ở nhà cả ngày không có việc gì làm”- Peter Lưu chia sẻ.

Tùng Anh (Theo Beijin News)