Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí có chiều sâu và thực chất
Chiều 16/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương; hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, ngay sau Lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp với các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch, thảo luận thống nhất tiêu chí trong đơn vị mình. Đồng thời, quán triệt phong trào thi đua, tổ chức Lễ ký giao ước thi đua trong các cấp Hội trực thuộc; thống nhất đưa nội dung phong trào vào quy định xếp loại, xét khen thưởng hội viên, người làm báo hàng năm.
Nhìn chung, các báo, đài nhất trí cao với 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa gồm: Xác định tuân thủ pháp luật, quy chế nội bộ nghiêm minh, tổ chức quy trình hoạt động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp, hành vi ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của người làm báo trong môi trường chuyển đổi số, làm báo thời công nghệ 4.0.
Về 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo, xác định nêu cao phẩm cách cao đẹp, ứng xử văn minh của người làm báo và coi trọng tính nhân văn trong tác phẩm, sản phẩm báo chí. Người làm báo phải giữ gìn tư cách đạo đức nghề nghiệp; trong tiếp xúc với công chúng và đồng nghiệp phải thể hiện được phong cách văn minh, nền tảng văn hóa của người làm báo cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, thận trọng với việc phát ngôn, đăng tải hình ảnh trên không gian mạng.
Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí cũng như các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Theo đó, trong hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan báo chí đã chú trọng sử dụng thông tin, hình ảnh đăng báo với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức, không đăng tải các hình ảnh bạo lực hoặc ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội; phát huy tích cực tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái với đồng nghiệp gặp hoạn nạn, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, viết bài về các hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
Nhiều Liên Chi hội phối hợp với Ban Biên tập thực hiện một số tuyến bài tuyên truyền cho phong trào, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa số và duy trì thực hiện phong trào thi đua; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hướng tới bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn nền văn hiến Việt Nam, phát huy đại đoàn kết dân tộc, xây dựng môi trường tòa soạn báo nhân văn, xanh sạch đẹp, trân trọng bạn đọc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, hướng dẫn việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, việc triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong "sứ mệnh của người cầm bút" với “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã trình bày tham luận về xây dựng môi trường văn hóa báo chí từ nhiều góc độ khác nhau, phù hợp tới thực tiễn nghiệp vụ báo chí ở các chuyên ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Đức Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cần đánh giá một cách thực chất, khách quan, sự hưởng ứng thực hiện, kinh nghiệm tổ chức phát động, kết quả đạt được sau một năm thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các Chi hội Nhà báo với những cách làm hay, sáng tạo. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan.
“Cần có những giải pháp đột phá để phong trào thi đua thực sự lan tỏa, đi vào chiều sâu trong hoạt động của các cơ quan báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam”- ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Minh Đức