Print

Cần tạo sự khởi sắc và thực chất trong công cuộc giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 17 /11/2023 14:04

Sáng 17/11, tại Lào Cai, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Công tác giảm nghèo là điểm sáng

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tại Hội nghị

“Công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập, còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước”- ông Thanh nhấn mạnh.

Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm, hướng tới bền vững, nhằm hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội và Chính phủ đề ra; đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao. Đến nay, trong nửa chặng đường thực hiện, Chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở Châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Để có được kết quả đó, ông Thanh cho rằng, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, thời gian qua nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải. Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác giảm nghèo

Tại Hội nghị, ông Đặng Xuân Phong- Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định, sau 32 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 55%), trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định; văn hóa-xã hội phát triển tương đối toàn diện, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh...

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Lào Cai còn nhiều khó khăn, trăn trở liên quan đến công tác giảm nghèo. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; có 4 huyện nghèo, 66 xã đặc biệt khó khăn, 605/1.568 thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đến nay là 23,9% (hộ nghèo 14,94%, cận nghèo 8,96%); chênh lệch về thu nhập, mức sống của nhân dân giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn còn cao; nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn...

Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai 3 Chương trình MTQG và các dự án đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị giao vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG cả giai đoạn 2021- 2025 cho địa phương để chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.

Cũng tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực sự là cuộc cách mạng của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được nhiều kết quả. Song, điều quan trọng hơn cả, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cán bộ, người dân hết mình, lăn lộn với công việc, với công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Công cuộc giảm nghèo như cuộc leo núi, càng lên cao càng đuối sức, đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Công tác giảm nghèo vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững; việc triển khai chương trình, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ các dự án, tiểu dự án còn chậm…

Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ông Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư cho chương trình. Sinh kế của người dân phụ thuộc vào công tác giải ngân, nếu không làm được là có lỗi với dân; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kịp thời hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện.

“Đối với việc tách hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Văn phòng Giảm nghèo xây dựng cơ chế, điều chỉnh quy định để có chính sách hỗ trợ, đảm bảo được cuộc sống của các hộ sau khi tách hộ nghèo. Các ngành, địa phương cần quan tâm tuyên truyền, để người dân, nhất là đồng bào DTTS thấy được lợi ích và tích cực đăng ký tham gia lao động ở nước ngoài”- ông Dung đề nghị.

Vũ Thu