Ấn Độ: Đấu vật giúp phụ nữ theo đuổi bình đẳng giới
Với giấc mơ giành được huy chương thể thao cho đất nước, hơn hai mươi cô gái và phụ nữ trẻ đang chăm chỉ tập luyện để trở thành đô vật trong một căn nhà cấp 4 màu trắng, nằm trên con đường bụi bặm uốn lượn qua vùng đất nông nghiệp ở rìa một ngôi làng phía bắc Ấn Độ. Căn nhà này là đại bản doanh của Trường Dạy đấu vật Altius ở làng Sisai (Haryana, Ấn Độ), cách Thủ đô New Delhi khoảng 3 giờ lái xe.
Bà Usha Sharma, huấn luyện viên bộ môn đấu vật nữ đầu tiên của Ấn Độ, trầm ngâm chia sẻ: “Nhiều nơi ở Ấn Độ, nhất là khu vực nông thôn, đôi khi một con vật còn có giá trị hơn một người phụ nữ, vì con vật cho sữa và người ta phải mất tiền mua nó". Xuất thân là cảnh sát, bà Usha Sharma thấu hiểu nỗi khổ của một bộ phận phụ nữ Ấn Độ, nên đã cùng chồng là ông Sanjay Sihag- giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất- thành lập Trường Dạy đấu vật Altius vào năm 2009. Ở ngôi trường này, dù thi đấu có thành tích hay không, các cô gái và phụ nữ trẻ hoàn cảnh khó khăn vẫn có được cơ hội hiếm có để khẳng định bản thân, cũng như có tiếng nói hơn trong cộng đồng.
Học viên Trường Dạy đấu vật Altius (Sisai, Haryana, Ấn Độ) đang luyện tập chăm chỉ tại phòng tập của Trường
Nghèo đói, tư tưởng truyền thống lạc hậu và thái độ bảo thủ của một số cộng đồng ở Ấn Độ đã cản trở đáng kể quyền của phụ nữ. Ở những cánh đồng gần Trường Dạy đấu vật Altius, nhiều người phụ nữ trong làng che kín từ đầu đến chân đang chăn thả gia súc. Một số người lẽ ra đã có chung số phận đó nhưng họ lại có cuộc sống khác nhờ sự lựa chọn dũng cảm của mình. “Khi mới mở trường, chúng tôi nhận được rất nhiều lời chế nhạo và dèm pha. Nhưng khi học viên của chúng tôi thi đấu rất tốt ở các giải trong nước và quốc tế, bắt đầu nhận được huy chương các loại, thì tình hình đã cải thiện hơn. Tôi cảm thấy rất vui khi biết rằng, những cô gái từng bị coi rẻ, giờ đây đã được những người đàn ông trong gia đình tôn trọng hơn”- Bà Usha Sharma cho biết.
Bên cạnh công việc giáo viên, ông Sanjay Sihag giúp vợ quản lý công việc hàng ngày tại Trường, đảm bảo cung cấp một không gian an toàn cho các học viên từ 8 đến 22 tuổi. Chính quyền Tiểu bang tài trợ cho việc đào tạo, phụ huynh chỉ phải trả khoảng 9.100 rupee/tháng cho tiền ăn ở và học phí. Em Swati Berwal, 16 tuổi, vui vẻ chia sẻ: “KTX giống như một gia đình. Chúng em làm việc, vui chơi, học tập và luyện tập cùng nhau. Đôi khi chúng em cũng có chút va chạm với nhau nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ từ nhau”.
Pinky, 17 tuổi, đang tập nâng tạ tại sân Trường Dạy đấu vật Altius (Sisai, Haryana, Ấn Độ)
Các học viên của Trường đa phần là cư dân của làng Sisai, song cũng có một số đến từ các bang lân cận. Họ có phòng riêng nhưng thường vui vẻ chen chúc trong một phòng có máy lạnh; thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, trừ Chủ nhật và cùng nhau nấu ăn. Họ còn sử dụng máy xay đá để tạo ra hỗn hợp bột lạc trộn với sữa và lọc qua vải muslin để tạo thành một loại "thức uống protein". Các bài tập buổi sáng bao gồm chạy bộ, chạy nước rút, squat, chống đẩy và chạy dốc; còn buổi tối dành cho các bài tập chuyên biệt. Để phòng vệ trước việc bị đối thủ giật tóc, hầu hết tất cả đều cắt tóc ngắn. Vào Chủ nhật, các học viên sẽ gọi điện về nhà, họ chuyền tay nhau một chiếc điện thoại di động cũ vì không thể truy cập internet. Thế nhưng, họ đạt được thành tích khá tốt, một số học viên kiếm được nhiều tiền thưởng khi thi đấu thành công ở các giải, thậm chí khi đạt giải cao ở cấp bang còn giúp họ có được việc làm trong khu vực công. “Nhiều cựu học viên của chúng tôi có sự nghiệp thể thao vững chắc, mua được ô tô và cuộc sống ngày một tốt hơn”- Bà Usha Sharma tự hào.
Hình ảnh các học sinh và người thân của họ treo trên tường tại KTX nội trú của Trường Dạy đấu vật Altius (Sisai, Haryana, Ấn Độ)
Đấu vật là môn thể thao rất phổ biến ở nam giới Ấn Độ với hàng nghìn trung tâm đào tạo trên toàn quốc, song mới chỉ phổ biến vài chục năm nay đối với nữ giới. Một thế hệ VĐV đấu vật nữ hình thành, bắt đầu từ khi được truyền cảm hứng bởi chiến thắng của Geeta Phogat- nữ đô vật Ấn Độ đầu tiên giành HCV tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung- Commonwealth Games ở New Delhi năm 2010. Gần đây, các đô vật nữ Ấn Độ giành được 3 HCĐ tại ASIAD năm 2022 ở Hàng Châu (Trung Quốc). Cũng năm 2022, một cựu học viên Trường Dạy đấu vật Altius giành được HCĐ tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung- Commonwealth Games ở Vương quốc Anh.
Một sinh viên Altius khác là Sonu Kaliraman, 27 tuổi, từng đại diện Ấn Độ đi thi đấu ở nhiều giải trong nước và quốc tế. Sau đó, cô bị chấn thương, phải giải nghệ và hiện tại là HLV của Trường. Câu chuyện của cô là biểu tượng cho hành trình vượt khó của các học viên nơi đây. Sonu Kaliraman vẫn say sưa kể lại mình đã khao khát được trở thành một trong số những học viên của Trường như thế nào khi cô trên đường đi làm đồng mỗi ngày. Và cô cũng nhớ lại cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay vào lần được đi thi đấu ở nước ngoài. “Phụ nữ Ấn Độ đang thay đổi nhận thức về quyền của họ. Bằng nỗ lực của mình, họ vẫn có thể giành huy chương và trở thành VĐV đẳng cấp thế giới. Chúng tôi đã tiến bộ một chút và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến bộ hơn nữa”- cô Kaliraman nói.
Tùng Anh (Theo SISAI)