WHO: Khoảng 4,5 tỷ người trên thế giới không có nhà vệ sinh đạt chuẩn
Đáp ứng điều kiện vệ sinh, trong đó có nhà vệ sinh, đạt chuẩn là vấn đề cần được quan tâm ở mỗi quốc gia đang phát triển, bởi đây là một trong những “chìa khóa” đem lại ưu thế trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Điều kiện vệ sinh, trong đó có nhà vệ sinh, đạt chuẩn giúp hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho con người. Sâu xa hơn, còn làm giảm chi phí y tế, tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 4,5 tỷ người trên thế giới không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Có thể phân loại nhà vệ sinh hiện thông dụng nhất thế giới thành 3 loại: Tự hoại (giúp con người tránh tiếp xúc với chất thải); công cộng (nhiều người, nhiều hộ gia đình sử dụng, có thể tự hoại hoặc không tự hoại); không tự hoại (khiến con người tiếp xúc gần với chất thải, ví dụ, đi tiêu bừa bãi ra môi trường). Trong đó, nhà vệ sinh đạt chuẩn là loại tự hoại và chỉ có một hộ gia đình sử dụng.
Mặc dù việc sử dụng nhà vệ sinh không tự hoại rất có hại cho sức khỏe, cũng như môi trường, song trên thế giới ước tính có 892 triệu người sử dụng hình thức này. Thực trạng trên khiến LHQ chính thức công nhận tầm quan trọng và đưa yếu tố nhà vệ sinh đạt chuẩn trở thành một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (SDG 6). Nhưng để đạt được mục tiêu vào năm 2030 như LHQ đặt ra, theo Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (The World Toilet Organization), không phải là chuyện dễ dàng.
Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới phân tích, nhà vệ sinh đạt chuẩn đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa bệnh tật, qua đó, tiếp sức cho cuộc chiến chống đói nghèo: “Một gram chất thải của con người có thể chứa 10 triệu virus, 1 triệu vi khuẩn và 1.000 u nang ký sinh trùng. Do đó, nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ ngăn ngừa nhiều bệnh tật... Không có nhà vệ sinh, chất thải của con người có thể gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến nguồn nước. Khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải của con người, điều này cực kỳ bất lợi cho sức khỏe toàn cầu. Nên lưu tâm rằng, mỗi 1 USD chi cho nhà vệ sinh và nước sạch, sẽ giúp bớt đi 4 USD cho chi phí y tế, ngăn ngừa tử vong và còn giúp tăng năng suất lao động”.
Mặc dù việc đảm bảo nhà vệ sinh đạt chuẩn vẫn là vấn đề nan giải của thế giới nhưng không thể phủ nhận, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ, nhất là về mặt số lượng. Ví dụ, tại Ấn Độ, tỷ lệ dân số được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh cơ bản (trong đó có nhà vệ sinh) đã tăng từ 16% lên 60% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2017. Một số tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội đã và đang hoạt động tích cực vì mục tiêu phổ cập nhà vệ sinh đạt chuẩn như Quỹ Bill và Melinda Gates (The Bill and Melinda Gates Foundation) tổ chức cuộc thi Sáng kiến cải tiến nhà vệ sinh hàng năm, nhằm thu hút người tham gia tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao cả về chất lượng và số lượng nhà vệ sinh đạt chuẩn, hướng về các quốc gia đang phát triển. Hay UNICEF, từ năm 2014 đến năm 2018, “đã giúp hơn 70 triệu người tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn ngay tại nhà của họ”.
Tùng Anh (Theo UNICEF)