Cần cơ chế chính sách để công chức sống được bằng lương
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các ĐBQH cho rằng chế độ tiền lương phải hợp lý nhằm nâng cao mức sống của NLĐ.
Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.
ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận)
Theo ĐB, trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt. Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác, việc làm đối với gần 112.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm để phòng ngừa tham nhũng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử. Đặc biệt, ngày 29/9/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Đây là một hành lang pháp lý để đội ngũ cán bộ có cơ sở, niềm tin để vượt lên chính mình và khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ và giải quyết công việc không hiệu quả.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến của cử tri cho thấy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí, tham nhũng tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử. Chính vì vậy, ĐB cho rằng, một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả là chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của NLĐ. “Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Cần có giải pháp để lương cán bộ, công chức, viên chức tương đương mức sống khá trong xã hội”- ĐB Linh nêu.
Hiện nay, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,8 triệu đồng/tháng. Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương), mức lương cao nhất 7,3 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu đồng/tháng; thấp nhất 2,4 triệu đồng. Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Vì vậy, ngoài tăng lương cho cán bộ, công chức, ĐB Bố Thị Xuân Linh đề xuất cơ chế giám sát, phản biện xã hội cần có hiệu lực trên thực tế. Quá trình xử lý người vi phạm nên phân loại nhóm chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm minh; người vi phạm do làm theo chỉ đạo của cấp trên cần được xem xét khoan hồng.
Bày tỏ nhất trí cao với các báo cáo, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, báo cáo những năm qua đã ghi nhận các hạn chế này nhưng đến nay nhiều nội dung chưa đưa vào giải quyết. Đơn cử báo cáo của hai cơ quan TAND và VKS đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Do đó, ĐB Xuân quan tâm nhất về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc và nguyên nhân cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo cho một biên chế trong từng ngành tư pháp và đảm bảo cho hoạt động thực tế của ngành theo luật định.
“Pháp luật cần quy định rõ hơn nội dung do NSNN của địa phương đảm bảo mức nào, hỗ trợ ra sao cho các cơ quan tư pháp cùng cấp để hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho các ngành tư pháp ở các cấp thì cần có cơ chế tài chính đảm bảo để Tòa án nhân dân, VKSND các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tổng đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới. Đồng thời, Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển”- ĐB Xuân đề nghị.
Nguyệt Hà