Print

Ngân hàng thực phẩm và tình trạng mất an ninh lương thực ở Thái Lan

Thứ Tư, 22 /11/2023 13:15

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) nhận định, việc thiếu lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014, vì hao hụt tài nguyên thiên nhiên bởi biến đổi khí hậu và thiên tai- điều này đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Cũng như các quốc gia khác, Thái Lan phải đối mặt với thực trạng này.

Một trong những mục tiêu tiên quyết của mỗi quốc gia là cần đạt được an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) nhận định, việc thiếu lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014, vì hao hụt tài nguyên thiên nhiên bởi biến đổi khí hậu và thiên tai- điều này đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Mặt bằng giá lương thực tăng mạnh tỷ lệ thuận với số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Trên thực tế, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ cần giá lương thực tăng 1% là có thể đẩy thêm 10 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực.

Tại Thái Lan, vấn đề mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2022, Văn phòng Thống kê Quốc gia Thái Lan đã khảo sát các hộ gia đình về tác động của Covid-19. Kết quả cho thấy đại dịch đã gây ra nhiều thách thức liên quan đến thực phẩm trong các hộ gia đình, từ không đủ khối lượng thực phẩm thông thường, đến hạn chế chủng loại thực phẩm và khan hiếm thực phẩm giàu dinh dưỡng. Hộ gia đình có thu nhập thấp còn phải chịu hậu quả nghiêm trọng hơn do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và kéo theo đó là mất thu nhập. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, 6,2 triệu người ở Thái Lan (tương đương với 9% tổng dân số) đang trong tình trạng dinh dưỡng đầy đủ.
Các ngân hàng thực phẩm (food-bank) đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Toàn cầu (The Global Foodbanking Network, GFN) ghi nhận, số người sử dụng ngân hàng thực phẩm tăng gấp 2 kể từ đại dịch Covid-19. Năm 2022, đã có hơn 32 triệu người sử dụng ngân hàng thực phẩm ở 50 quốc gia đang phát triển.

Tại Thái Lan, nhiều cộng đồng cũng chuyển sang sử dụng ngân hàng thực phẩm như một giải pháp tạm thời để chống lại mất an ninh lương thực; hơn nữa, việc này còn góp phần giảm hậu quả về môi trường do lãng phí thực phẩm. Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan (The Pollution Control Department), gần 70% tổng lượng rác thải ở quốc gia này là rác thải thực phẩm. Vì vậy, Tổ chức Học giả về Nguồn dinh dưỡng (The Scholars of Sustenance Foundation, SOS) ra đời vào năm 2016, đặt mục tiêu hạn chế và đi đến xóa bỏ mất an ninh lương thực thông qua việc phân phối lại thực phẩm dư thừa cho những nơi có nhu cầu như viện cô nhi, nơi tạm trú. Có thể nói, SOS là một trong những sáng kiến ngân hàng thực phẩm lâu đời nhất ở Thái Lan, hiện hoạt động đều đặn tại Bangkok, Phuket, Hua Hin, Chiang Mai và nhiều khu vực khác. SOS điều hành một số chương trình/dự án đem lại hiệu quả khá tốt.

Chẳng hạn, Chương trình Nhà bếp Cứu hộ (The Rescue Kitchen Program) liên kết với các bếp ăn lớn để thu nhận thực phẩm dư thừa phục vụ cho các cộng đồng thiếu dinh dưỡng. Chương trình Thực phẩm Cộng đồng Từ xa (The Remote Community Food Program) sử dụng mạng lưới quân đội và tình nguyện viên để vận chuyển thực phẩm tới vùng sâu, vùng xa. Chương trình Bữa trưa Lành mạnh ở Trường học (The Healthy School Lunch Program) thúc đẩy an ninh lương thực và dinh dưỡng cho trẻ em, thông qua việc cung cấp rau tươi cho bữa trưa ở trường. SOS có tác động đáng kể trong việc giảm tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói ở Thái Lan, đến nay, đã phục vụ gần 30 triệu bữa ăn cho hơn 3.000 cộng đồng. Quỹ SOS cũng phân phối lại khoảng 6,8 triệu kg thực phẩm dư thừa- điều này tương đương với hạn chế khoảng 17.282 tấn CO2 nếu thực phẩm dư thừa bị vứt đi.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)