ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Luật BHXH (sửa đổi) mở cơ hội lớn về diện bao phủ và thụ hưởng chính sách
Qua 7 năm thi hành Luật BHXH năm 2014, dù đã khẳng định được tính đúng đắn của chính sách BHXH, song đã phát sinh những bất cập cần sửa đổi. Lần sửa đổi Luật BHXH này đã mở ra cơ hội lớn về diện bao phủ cũng như thụ hưởng chính sách, đặc biệt với các địa phương vùng núi, đông đồng bào DTTS như Hòa Bình. Bà Đặng Bích Ngọc- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có những chia sẻ với phóng viên về Dự thảo Luật này.
*PV: Qua khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2020- 2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho thấy, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 đã giúp tăng diện bao phủ cũng như thụ hưởng chính sách BHXH cho mọi người dân, song đã phát sinh những bất cập. Theo bà, Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết những tồn tại gì?
- Bà Đặng Bích Ngọc- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Qua 7 năm thi hành Luật BHXH năm 2014 đã khẳng định được tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, hạn chế như: Diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH và thụ hưởng BHXH vẫn thấp so với tiềm năng, tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí xảy ra ở một số cơ quan Nhà nước; những chính sách chưa hấp dẫn người tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Đặng Bích Ngọc- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Chính vì vậy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện, phân tích, đánh giá tiềm năng thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện quy định liên quan nhằm tạo điều kiện, khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH như: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó hạ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội, khả năng cân đối ngân sách kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (gồm cả tự nguyện và bắt buộc) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ. Mở rộng hơn các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3) với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý, điều hành doanh nghiệp…
Ngoài ra, Dự thảo Luật BHXH còn bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Điều đặc biệt của Dự thảo Luật lần này, quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho nhiều người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 64); quy định cơ chế về BHXH một lần… Những quy định mới đã khuyến khích, đặc biệt trực tiếp và thực hiện nhiều trong sửa đổi luật lần này là tiếp tục thực hiện bao phủ BHXH nhằm giải quyết căn cơ những bất cập, khó khăn trong tổ chức triển khai thời gian qua.
*Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với phạm vi ảnh hưởng lớn, đối tượng chịu sự tác động rộng, nhất là các quy định về rút BHXH một lần. Xin được biết quan điểm của bà về 2 phương án rút BHXH một lần tại Tờ trình của Chính phủ. Theo bà, việc điều chỉnh tỉ lệ rút BHXH một lần so với hiện hành và giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu có hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần hiện nay không?
- Theo số liệu Chính phủ báo cáo tại Tờ trình sửa đổi Luật BHXH, giai đoạn 2016-2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, trong số này, có gần 1,3 triệu người quay lại, tiếp tục tham gia. Như vậy, trong 7 năm qua, đã có khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH.
Nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều nội dung bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần (điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm), hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra NLĐ bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho NLĐ, tất cả các chính sách này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn, tính toán thật kỹ trước khi thực hiện rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, khó khăn đột xuất.
Như vậy, Ban Soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) chọn cách tiếp cận tăng quyền lợi- tức là khuyến khích lợi ích tài chính và yêu cầu điều kiện cao hơn khi rút- tức là giảm động lực rút , trong 2 phương án đề xuất. Theo phương án 1, chỉ những người đã tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực mới được rút BHXH một lần. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi bổ sung (điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm, được hưởng trợ cấp hằng tháng, có BHYT, được hỗ trợ tín dụng…); nếu rút BHXH một lần thì sẽ mất các quyền lợi này. Còn lại, những người đóng BHXH từ khi luật này có hiệu lực sẽ không được rút BHXH một lần, trừ 3 trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, phương án 2 cho phép NLĐ rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
*Tại buổi làm việc với cơ quan BHXH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều bất cập trong thực hiện chính sách BHXH như: Tỉ lệ lao động tham gia BHXH thấp so với bình quân chung cả nước, tình trạng nợ đóng BHXH cao… Để tiệm cận mục tiêu Nghị quyết số 28 đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền tại Hòa Bình cần phải coi đây là trách nhiệm của mình, là nhiệm vụ quan trọng hướng đến đảm bảo an sinh cho người dân, thưa bà?
- Với đặc thù là tỉnh miền núi, phần lớn dân số là đồng DTTS điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để vận động người dân tham gia BHXH; các chỉ tiêu bao phủ BHXH tại Hòa Bình cơ bản có sự tăng trưởng. Thông qua giám sát việc thực hiện chính sách BHXH tại các huyện cũng như cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện, Đoàn ĐBQH Hòa Bình đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan BHXH trong tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH. Đặc biệt, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đội ngũ cán bộ, tuyên truyền BHXH tỉnh đã phối hợp với các Già làng, Trưởng bản, Tổ trưởng, Bí thư các xóm, xã trong tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Đây được coi là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều. Qua đó, giúp người dân địa phương dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật BHXH.
Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng, song việc thực hiện chính sách BHXH tại Hòa Bình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH thấp; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn xảy ra. Đến hết tháng 6/2023, tỉ lệ người tham gia BHXH tại Hòa Bình mới đạt 20,37% lực lượng lao động trong độ tuổi, (tăng 7.051 người so với năm 2020). Dù còn thấp so với tỉ lệ bao phủ BHXH bình quân toàn quốc, nhưng đây cũng là con số đáng ghi nhận đối với địa phương có đặc thù kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn như Hòa Bình. Đồng thời, trong các doanh nghiệp, hiện tượng chiếm dụng quỹ BHXH, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản chính sách ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm; nhận thức của NLĐ và Nhân dân về BHXH còn chưa đầy đủ, tâm lý vẫn còn trông chờ Nhà nước hỗ trợ.
Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 28, nhất là các mục tiêu về tỉ lệ bao phủ BHXH, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Luật BHXH. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, kết hợp lồng ghép để giúp người dân hiểu được quyền lợi trong tham gia BHXH. Kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra liên ngành trong viêc chấp hành pháp luật về BHXH tại các đơn vị; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong việc gian lận, trục lợi quỹ BHXH; các cấp ủy tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị chậm đóng BHXH. BHXH tỉnh cũng cần mở rộng hệ thống thu BHXH…
Đặc biệt, BHXH tỉnh Hòa Bình chủ động phối hợp giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo quyền lợi NLĐ. Xác định việc tăng cường công tác quản lý thu, giảm tiền chậm đóng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ quan trọng với quan điểm: Phát triển nhanh và bền vững người tham gia, bảo đảm mọi người dân đều có quyền và được tạo điều kiện tiếp cận, hưởng thụ các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; thực hiện quyết liệt các giải pháp đôn đốc thu, giảm thiểu tiền chậm đóng BHXH, BHYT cả về số đơn vị và số tiền, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, bền vững.
*Trân trọng cảm ơn bà!
V.Thu (Thực hiện)