Hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn
Chiều ngày 22/11, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Cơ sở khoa học hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn. TS.Nguyễn Quốc Tuấn- Hiệu trưởng Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH là chủ nhiệm Đề tài. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn- Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.
Thuyết minh các nội dung cơ bản của Đề tài, TS.Nguyễn Quốc Tuấn- Hiệu trưởng Trường Đào tạo Nghiệp vụ BHXH, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong GDP luôn chiếm từ 22 đến 24%. Do vậy, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng và Chính phủ coi là vấn đề cơ bản. Người nông dân không chi góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế quốc dân vượt qua khủng hoảng tài chính thể giới, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như đại dịch Covid-19, góp phần đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích.
BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ
Để hiện thực hóa quan điểm trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, như chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách đất đai, các chính sách cho vay vốn ưu đãi... Trong đó, chính sách BHXH, BHYT đã được xác định là trụ cột chính đảm bảo ASXH nói chung và ASXH cho người nông dân nói riêng.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Đảng khẳng định: BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực XH hướng tới bao phủ toàn dân; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng- hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHXH cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự đi vào cuộc sống, số đối tượng tham gia hằng năm có tăng, song vån chưa đáng kể so với tổng số đối tượng thuộc diện tham gia và so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Do vậy, “khoảng trống" về BHXH trong nông dân vẫn còn rất lớn.
“Nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT và chất lượng an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối với người nông dân ở nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XII thì việc nghiên cứu đề tài cấp Bộ Cơ sở khoa học hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn trong giai đoạn hiện nay”, TS.Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh.
TS.Nguyễn Quốc Tuấn trình bày tóm tắt đề tài nghiên cứu
Đề tài góp phần làm rõ cơ sở lý luận xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn; nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn của một số nước trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Đồng thời, đề tài nghiên cứu và đánh giá thực trạng chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn Việt Nam từ 2008 đến nay; nghiên cứu đánh giá thực trạng việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách BHXH cho nông dân trong những năm tiếp theo.
Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH đối với người nông dân ở nông thôn. Cung cấp luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH đối với người nông dân ở nông thôn Việt Nam đến năm 2030. Kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam và là tư liệu tham khảo cho những người quan tâm.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo các thành viên Hội đồng, những kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng trong việc làm rõ cơ sở khoa học hoàn thiện chính sách BHXH đối với người nông dân ở nông thôn. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách BHXH cho nông dân trong những năm tiếp theo.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Đây là một đề tài khó và phức tạp nhưng là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT và chất lượng an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đối với người nông dân ở nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng như: Cần làm sắc nét, nổi bật hơn tính cần thiết của Đề tài; bám sát đối tượng và mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu của Đề tài và định hướng được các nội dung nghiên cứu theo hướng đưa ra các giải pháp hiệu quả... để việc nghiên cứu khoa học đi theo đúng định hướng, đảm bảo tính thực tiễn của Đề tài khi triển khai.
Hà Hùng