Print

Thuốc dùng trong điều trị suy tủy xương

Thứ Năm, 23 /11/2023 14:12

Suy tủy xương là một hội chứng lâm sàng được biểu hiện như giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiển cầu trong máu; đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ và giảm các tế bào đầu dòng tạo máu. Tình trạng bệnh lý được đặc trưng bởi sự giảm sản hoặc bất sản tế bào tủy, dẫn đến giảm một, hai hoặc ba dòng máu ngoại vi.

Tủy xương là nơi tạo ra các loại tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Bạch cầu trưởng thành, đặc biệt là bạch cầu hạt trung tính có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm như vi trùng, virus, ký sinh trùng. Hồng cầu trưởng thành giúp đem oxy tới các mô trong cơ thể. Tiểu cầu có vai trò trong quá trình đông cầm máu.

Điều trị bệnh suy tủy xương

Suy tủy xương là một hội chứng lâm sàng được biểu hiện như giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiển cầu trong máu; đồng thời tủy xương bị thay thế bằng mô mỡ và giảm các tế bào đầu dòng tạo máu. Đó là tình trạng chức năng tủy xương bị suy giảm. Suy tuy xương là một tình trạng bệnh lý được đặc trưng bởi sự giảm sản hoặc bất sản tế bào tủy, dẫn đến giảm một, hai hoặc ba dòng máu ngoại vi.

Bệnh gặp ở tất cả các lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở hai nhóm tuổi 15-20 và 65-70. Tỷ lệ mắc bệnh ở quần thể người Châu Á cao gấp 2 lần người Châu Âu. Những triệu chứng sau đây cần phải đặc biệt quan tâm và đưa ngay người bệnh đến các BV chuyên ngành huyết học và máu để khám bệnh và điều trị kịp thời.

Theo đó, bệnh nhân có hội chứng thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, lòng bàn tay trắng bệch. Nếu thấy móng tay nhợt có khía, dễ gãy, cần phải đi khám bệnh ngay. Người bệnh cũng thường có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt, nhịp tim nhanh, có tiếng thổi tâm thu cơ năng. Nếu tình trạng thiếu máu nặng, bệnh nhân có thể ngã, ngất xỉu khi gắng sức. Người bệnh bị giảm tiểu cầu nên có biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc, có thể xuất huyết đường tiêu hoá, xuất huyết não, màng não… Hoặc người bệnh có thể có sốt và biểu hiện nhiễm trùng cơ quan khác như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm da mô mềm hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Trong những năm gần đây, việc điều trị bệnh suy tủy xương đã có nhiều tiến bộ. Nhiều bệnh nhân đã được kéo dài cuộc sống trên 5 năm và có một số bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Suy tủy xương là một bệnh cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng, do vậy còn có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Các thuốc hay dùng để điều trị bao gồm các Corticoid dạng tiêm phối hợp với Globulin và Cyclosporin.

Suy tủy xương liên quan đến đột biến một số gen và mang tính di truyền

Hiện nay, việc dùng thuốc đơn độc được cho là kém hiệu quả, nên phác đồ phối hợp thường dùng các nhóm thuốc sau:

- Nhóm Corticoid: Corticoid là nhóm thuốc cổ điển hay dùng. Prednisolon có thể dùng dạng uống hoặc tiêm. Mazipredon (Depersolon), Methylprednisolon (Solumedrol) dùng dạng tiêm truyền tĩnh mạch. Chú ý tác dụng phụ của Corticoid có thể gây xuất huyết đường tiêu hoá, giữ nước, hạ K+ huyết, đái tháo đường, loãng xương…

- Các Globulin miễn dịch ATG (Anti thymocyte globulin), hoặc ALG (Anti lymphocyte globulin): Có tác dụng ức chế tế bào lympho T độc. Tác dụng phụ của ATG hoặc ALG hay gây phản ứng như sốt, mẩn mày đay, ngứa, ban đỏ, đau khớp, sốc phản vệ.

- Cyclosporin (Neoral) là Lipophilic cyclic polypeptid lấy từ một loại nấm có tác dụng chọn lọc lên tế bào T bằng cách ngăn chặn sự trưởng thành và làm giảm các Cytokine sinh ra trong tuyến ức và trong máu. Tác dụng phụ ít hơn so với ATG: Có thể làm tăng men gan, bilirubin, huyết áp, đường huyết… Do đó, cần có sự kiểm tra, theo dõi chức năng gan và các chỉ số sinh hoá khác.

Theo một số nghiên cứu cho thấy, điều trị ATG + Cyclosporin A + Prednisolon liều thấp có hiệu quả hơn hẳn nếu chỉ điều trị các thuốc trên đơn độc, có thể đáp ứng tới 60-70% nhưng tỷ lệ này giảm dần ở bệnh nhân lớn tuổi.

Ngoài ra, còn sử dụng Cyclophosphamid chủ yếu tác dụng lên lympho B hơn lympho T. Có tác dụng ức chế miễn dịch, chống thải ghép, do đó chỉ dùng trong chuẩn bị ghép tủy. Tác dụng phụ là gây rụng tóc, buồn nôn giảm bạch cầu, độc cho tủy. Do vậy, Cyclophosphamid liều cao ít được dùng cho điều trị suy tủy xương.

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh suy tủy xương cần phải đặc biệt chú ý đảm bảo vệ sinh mức cao nhất để tránh nhiễm trùng. Thức ăn nên được nấu chín và không để tồn lưu quá thời gian cho phép. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Chế độ ăn nên cân đối về dinh dưỡng. Tránh ăn quá nhiều muối, mỡ và tinh bột do trong quá trình điều trị có sử dụng Corticoid có nguy cơ tăng cân và các dụng phụ khác. Hạn chế thức ăn chứa nhiều sắt như các loại thịt đỏ, rau có màu xanh đậm. Nên sử dụng các loại thịt trắng, rau có màu đỏ, trắng hoặc vàng.

Bệnh suy tủy xương là một bệnh nguy hiểm, cần điều trị tại các BV chuyên khoa. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có phương pháp hoặc thuốc đông y nào chứng minh được tính hữu hiệu trong điều trị suy tuỷ xương, nên người bệnh cần đến BV ngay khi có các triệu chứng kể trên để được điều trị kịp thời.

ThS.Lê Quốc Thịnh