Tạo việc làm để lao động xuất khẩu yên tâm về nước khi hết hợp đồng
Ngày 24/11/2023, tại Hòa Bình, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo thúc đẩy đưa NLĐ các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình. Đặc biệt, ngoài việc nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, người lao động được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc và trình độ ngoại ngữ. “Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế”- ông Hoan đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Hoan cũng lưu ý, cần tiếp tục quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, vận động NLĐ hết hạn HĐLĐ về nước đúng hạn. “Các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương, đặc biệt là Trung tâm Lao động ngoài nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp để tăng cường số lượng, chất lượng lao động phái cử. Đặc biệt, chú trọng các giải pháp để đưa đi được nhiều NLĐ thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời giảm tỷ lệ, số lượng lao động bỏ trốn, hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn”- ông Hoan nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến ghi nhận những bước tiến đáng kể trong công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua như: Thị trường lao động được mở rộng; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Trung Quốc)… gia tăng đáng kể. Từ 2004 đến nay, Trung tâm đưa hơn 136.000 lượt NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, có 4.260 NLĐ thuộc huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển của cả nước đi làm việc đi làm việc tại nước ngoài, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, các tỉnh phía Bắc chỉ mới đưa được 633 lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 14,85% lao động huyện nghèo và xã bãi ngang ven biển của cả nước.
Tuy nhiên, có nhiều huyện nghèo như tại Hà Giang (7 huyện), Cao Bằng (7 huyện), Điện Biên (7 huyện), Lai Châu (4 huyện), tỷ lệ NLĐ đi làm việc tại nước ngoài vẫn còn hạn chế- chỉ có 169 NLĐ. Vì vậy, cần tạo thêm điều kiện khuyến khích gia tăng số NLĐ huyện nghèo của các tỉnh này tham gia các chương trình phi lợi nhuận.
Nguyệt Hà