“Thủ thỉ Vietnam” qua hình ảnh
NXB Thế giới vừa giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách ảnh “Thủ thỉ Vietnam” của tác giả Việt kiều Minh Phạm. Cuốn sách là những chia sẻ nhẹ nhàng bằng hình ảnh, cho người đọc thấy cảm xúc và cách nhìn của tác giả về những nơi mình lần đầu đặt chân đến.
“Thủ thỉ Vietnam” gồm hơn 80 ảnh trắng đen được tác giả Minh Phạm chụp trong những chuyến đi đến nhiều vùng ở Việt Nam, từ Sapa đến Côn Đảo. Những bức ảnh thể hiện cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân qua mắt nhìn của tác giả. Ảnh chụp bằng điện thoại Iphone. Mỗi bức ảnh có lời đề tựa bằng 3 thứ tiếng: Anh, Việt và Ý.
Cuốn sách bao gồm những tấm ảnh tác giả Minh Phạm chụp từ khi trở về sống tại Hà Nội- năm 2020. Cũng như 2 cuốn sách trước, ông hợp tác với người bạn thân- nhà báo Paola Boncompagni, người giúp ông lựa chọn ảnh và đặt đề tựa tiếng Ý. Tiền bán cuốn sách sẽ được tác giả gửi tặng các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam qua Hội Nạn nhân chất độc da cam (VAVA).
‟Thủ thỉ Vietnam” là cuốn sách ảnh thứ 3 của Minh Phạm. Cuốn sách ảnh trắng đen đầu tiên là ‟Mosaic Myanmar”, in năm 2019, do NXB Editrice Polaris ở Rome (Ý) ấn hành. “Mosaic Myanmar” phản ánh cuộc sống hằng ngày tại khắp Myanmar, được ghi nhận trong 3 năm vợ chồng ông sống ở đó. Số tiền bán cuốn sách này ông dành giúp các bà mẹ đơn thân tại Myanmar.
Cuốn thứ hai là ‟Hanoi Hanoi” xuất bản năm 2022, gồm 90 ảnh trắng đen về đời sống thường nhật của người dân Hà Nội. Minh Phạm cho biết: “Tôi rất vui vì ‟Hanoi Hanoi” được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội 2022. Tiền bán sách ‟Hanoi Hanoi” cũng được dành ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam”.
Còn với “Thủ thỉ Vietnam”, nguồn cảm hứng đặt tên ảnh đến từ âm nhạc thời sinh viên của tác giả như nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và lời thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử...; hay các tác giả nước ngoài như Nina Simone (nhạc sĩ), Robert Frost hay Emily Dickinson (nhà thơ).
“Tùy theo từng bức ảnh và cảm hứng, tôi ghép lời nhạc hoặc thơ với ảnh. Những lời tựa trở thành lời thủ thỉ của chính tôi về quê hương của mình gửi đến người đọc. Lời thủ thỉ này, tôi hy vọng, sẽ giúp bạn đọc nhận thức được ý nghĩa của thời gian. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”- Minh Phạm chia sẻ.
Bìa cuốn sách có hình 2 cô gái trẻ. Bức ảnh được chụp khi Minh Phạm tới thăm Lăng Khải Định ở Huế, ông gặp 2 cô gái trong trang phục khăn đóng áo dài, đang tíu tít chụp ảnh cho nhau. “Huế hôm đó nắng đẹp và nụ cười duyên dáng của 2 cô gái làm cho khung cảnh khi ấy rạng rỡ hơn. Tôi kín đáo chụp ảnh 2 bạn, vui cười, thủ thỉ, trao đổi bó hoa cầm trong tay. Nét đẹp hồn nhiên, năng lượng lạc quan của tuổi trẻ pha với bối cảnh lịch sử làm cho tôi chợt xúc động... Cũng là lý do này tôi đã chọn ảnh của 2 bạn làm bìa sách. Tôi hy vọng sẽ được dịp gặp lại hai bạn ấy để tỏ lời cảm ơn”- Minh Phạm nói thêm.
Nhà báo Paola Boncompagni (Ý) cũng cho biết, mặc dù chưa từng đến Việt Nam, nhưng việc hợp tác với Minh Phạm trong việc biên tập tít của 2 cuốn sách ảnh, nghe những mô tả và giải thích của Minh Phạm, khiến ông có được trải nghiệm như đi du lịch Việt Nam qua những tấm ảnh và thấy càng ngày càng thêm yêu đất nước này, những thành phố tuyệt vời, thiên nhiên kỳ thú và nhất là những con người ở đó…
"Tôi yêu cái nhìn của Minh Phạm về Việt Nam. Minh rời quê hương năm 19 tuổi, rồi đi khắp thế giới. Mấy năm gần đây, về Việt Nam sống vì vợ anh có nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam, Minh mới có dịp đi khắp đất nước và chụp ảnh. Tôi thấy những hình ảnh của anh có một góc nhìn rất đặc biệt: Minh Pham không phải là một người nước ngoài, nhưng vì đến bây giờ mới có cơ hội khám phá Việt Nam, anh đã thể hiện sự mới mẻ và cảm xúc ngạc nhiên trong nhiều tấm ảnh”- nhà báo Paola Boncompagni chia sẻ.
Minh Anh