Print

Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ Sáu, thông qua nhiều dự án luật

Thứ Hai, 27 /11/2023 09:51

Với 423/468 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%), sáng 27/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương và 198 Điều.

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điểm d, Khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là: Người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa. Về vấn đề này, Ủy ban TVQH đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ, sau này khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57), Ủy ban TVQH nhận thấy việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 như thể hiện tại dự thảo Luật là nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua; đồng thời bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển, đáp ứng nguồn cung nhà ở cho một bộ phận người dân ở đô thị.

Về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến ĐB tán thành phương án này. Cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng LĐLĐ đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Hoặc có ý kiến cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án. Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng LĐLĐ là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng LĐLĐ trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, NLĐ. Dự thảo Luật quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính Công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.

Về quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN, các ý kiến ĐBQH phát biểu về vấn đề này đều tán thành. Đồng thời, đề nghị quy định chặt chẽ về quy mô xây dựng nhà lưu trú, các điều kiện về an toàn, vệ sinh môi trường để bảo đảm sức khỏe, môi trường sống của công nhân, NLĐ. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo bổ sung Dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN. Giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong KCN; cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của KCN.

Ngoài ra, Ủy ban TVQH cũng giải trình, tiếp thu một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ.

Trước đó, Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước với 431 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%).

Vũ Thu