Print

Khiêu vũ, chó trị liệu giúp người cao tuổi Hong Kong thoát khỏi sự cô đơn hậu Covid-19

Thứ Hai, 27 /11/2023 12:25

Đến nay, đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát. Ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các Chính phủ đều đã và đang nỗ lực để bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, bền vững, nhằm bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân và góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Ở Hong Kong, một trong nơi áp dụng giãn cách xã hội nghiêm khắc và kéo dài nhất thế giới, cuộc sống của người dân đã dần dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, với những người cao tuổi, thì tái hòa nhập xã hội không phải là việc dễ dàng. Nhắm mắt và lắc hông theo âm nhạc, bà Polly Trần, 71 tuổi, đang khiêu vũ uyển chuyển tại một một trung tâm cộng đồng ở Hong Kong. Bà và khoảng 30 người cao tuổi khác đang tham gia Dự án Noon-D (Noon-Disco, hay “khiêu vũ buổi chiều”) do một tổ chức xã hội thí điểm thực hiện.

Dự án Noon-D hướng tới nhóm người cao tuổi cô đơn ở Hong Kong

“Trong và sau thời kỳ Covid-19, tôi cảm thấy bản thân bị rơi vào trạng thái trống rỗng”- bà Polly Trần chia sẻ- “Con cháu quay lại đi học, đi làm hết. Tôi không có nhiều người để nói chuyện. Tôi cũng gặp khó khăn khi tâm sự về tình trạng tâm lý của mình với gia đình. Thời còn trẻ, tôi hay đến vũ trường để khiêu vũ, vì vậy tôi nảy ra ý định tham gia dự án này. Và đúng là sàn nhảy là cách chữa trị tốt nhất đối với tôi, khi khiêu vũ, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm tinh thần".

Bắt đầu từ tháng 7/2023, Dự án Noon-D tổ chức các buổi khiêu vũ hằng tuần tại một trung tâm cộng đồng. Đại diện Dự án cho biết, ý tưởng này ra đời từ các hội thảo về người cao tuổi Hong Kong sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: “Dự án chủ yếu được thiết kế để giải quyết nỗi cô đơn mà người cao tuổi phải chịu đựng, cũng như sự thiếu thốn giao tiếp trong đời sống xã hội của họ. Một số người cao tuổi cho biết, vì đã quen với giãn cách xã hội, họ lười ra ngoài và bạn bè, người cùng tuổi khác của họ cũng không còn hứng thú tương tự. Rất vui là sau một thời gian thí điểm, các buổi khiêu vũ của Dự án đã được đặt kín chỗ. Tuy nhiên, Dự án mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu hòa nhập xã hội của người cao tuổi, những người thường cảm thấy bản thân “vô hình” trong gia đình và xã hội”.

Người cao tuổi Hong Kong đang khiêu vũ tại một hội trường cộng đồng

Theo LHQ, Hong Kong dự báo sẽ bước vào giai đoạn “siêu già” vào năm 2050, với người từ 65 tuổi trở lên đạt 40,6% tổng dân số. Một cuộc khảo sát do Đại học Hồng Kông thực hiện vào nửa đầu năm 2022 cho thấy, 1/3 trong số gần 5.000 người cao tuổi được hỏi đang rơi ít nhất 1 trong 3 trạng thái: Trầm cảm; Lo lắng và Cô đơn. Cuộc khảo sát được thực hiện khi Hong Kong đang trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng nhất, khiến nhiều người cao tuổi tử vong. Một cuộc thăm dò khác diễn ra vào cuối năm 2022 thông tin, đối tượng người cao tuổi Hong Kong sống đơn thân có tới gần 70% có xu hướng trầm cảm; gần 80% có nguy cơ cao bị bệnh trầm cảm.

Theo thống kê của Tổ chức Samaritan Befrienders, số vụ tự tử ở Hong Kong đã lên tới mức cao nhất thập kỷ là 1.080 vào năm 2022, với hơn 40% nạn nhân từ 60 tuổi trở lên. Đại diện Tổ chức cho biết: “Người cao tuổi thường ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ và thường coi mình là “gánh nặng” khi bị tổn thương về mặt tinh thần. Vì vậy, gia đình và cộng đồng nên trợ giúp người cao tuổi mở rộng vòng kết nối xã hội của họ".

Người cao tuổi Hong Kong đang tìm kiếm sự giúp đỡ để hòa nhập xã hội thông qua một lực lượng chăm sóc đặc biệt: Chó trị liệu

Trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì không như lý thuyết. Cô Adeline Tăng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Gia đình Cơ đốc giáo Hong Kong cho biết, Trung tâm phải “đấu tranh” để thuyết phục gia đình, người giám hộ và chính bản thân người cao tuổi đồng ý rời nhà: “Việc giãn cách xã hội quá lâu vì đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cả tình trạng nhận thức và thể chất của người cao tuổi. Nỗi lo lắng về sức khỏe khiến người cao tuổi trở nên nhạy cảm hơn. Họ hay tủi thân khi không được gia đình, người thân và cộng đồng quan tâm đúng cách”. Chính vì vậy, Trung tâm Dịch vụ Gia đình Cơ đốc giáo Hong Kong đã “tuyển dụng” một đội ngũ nhân viên chăm sóc đặc biệt để hỗ trợ người cao tuổi: Những chú chó trị liệu.

Rally là chú chó giống Labrador, được đào tạo chuyên ngành trị liệu, đang trong ca làm việc tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi Hong Kong

Ông Hồ Thiệu Cường, 70 tuổi, lái xe nghỉ hưu, vui mừng khôn xiết khi gặp lại Rally, chú chó trị liệu giống Labrador lông vàng. Vừa vuốt ve Rally, ông vừa vui vẻ cho biết: “Rally từng là chó dẫn đường (cho người khiếm thị) nên rất hiểu ý người. Điều đó đối với tôi tốt hơn là giao tiếp với người lạ vì tôi không muốn giải thích quá nhiều về tình trạng bất ổn của mình”.

Ông Hồ Thiệu Cường cho biết thêm, ông bắt đầu tìm đến Trung tâm sau khi ở trong nhà một thời gian dài vì đại dịch Covid-19, khiến ông “cảm thấy như mình đang bị bỏ tù”. Ở Trung tâm, ông gặp gỡ bạn bè, tập thể dục, chơi mạt chược… khiến cuộc sống hàng ngày trở nên tươi sáng hơn. Đồng thời, ông cũng nhắn nhủ các trung tâm chăm sóc người cao tuổi hay viện dưỡng lão nên thu hút người cao tuổi bằng các hoạt động thú vị hơn, chẳng hạn như sử dụng chó trị liệu, vì “hãy làm người cao tuổi vui vẻ, cho họ thấy được quan tâm và chú ý, họ sẽ tự khắc rời nhà để hòa nhập cộng đồng”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)