Vì sao bão chấn thương đổ bộ châu Âu: Điểm đổ gãy của các cầu thủ
Trong một ngày Man United thiếu vắng Casemiro, Christian Eriksen vì chấn thương, Kobie Mainoo tỏa sáng ấn tượng trong chiến thắng 3-0 trước Everton. Đáng chú ý, tiền vệ 18 tuổi mới chỉ trở lại thi đấu sau 3 tháng vắng mặt vì chấn thương mắt cá chân. Man United vẫn phải quay cuồng trong “cơn bão chấn thương”, vẫn đang hoành hành khắp châu Âu.
Tiền vệ Gavi của tuyển Tây Ban Nha và CLB Barcelona trở thành trường hợp mới nhất bị chấn thương, phải nghỉ từ 6- 8 tháng. Gavi chỉ là 1/18 cầu thủ đang chơi tại La Liga, 1/125 cầu thủ đang thi đấu tại 5 giải hàng đầu châu Âu phải nghỉ dưỡng thương sau World Cup 2022. Vì sao 'bão' chấn thương tăng cấp trong bóng đá châu Âu mùa này?
Điểm đổ gãy
CEO của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh (PFA), Maheta Molango, vào tối Chủ nhật tuyên bố rằng các cầu thủ quốc tế đang ở 'điểm đổ gãy'. Phát biểu được đưa ra, sau khi Báo cáo chấn thương thường niên thứ ba từ công ty bảo hiểm toàn cầu Howden, công bố vào Chủ nhật, tiết lộ rằng chấn thương ở World Cup khiến các cầu thủ phải ngồi ngoài trung bình 11,35 ngày trước khi thi đấu vào tháng 10/2022, con số này đã tăng lên 19,41 ngày, sau khi World Cup kết thúc vào tháng 1/2023. Chia sẻ với truyền thông, ông Molango mô tả Báo cáo chấn thương là “một lời cảnh tỉnh sâu sắc”.
“Nó cho thấy thực tế lịch trình không ngừng nghỉ của bóng đá đối với sức khỏe của các cầu thủ”, Molango nói. “Việc tiếp tục mở rộng lịch thi đấu, cả ở cấp câu lạc bộ và quốc tế, đang đẩy các cầu thủ vượt quá giới hạn của họ. Sự leo thang không ngừng nghỉ này là không bền vững. Các cầu thủ thực sự đang ở điểm đổ gãy. Chúng ta đang chứng kiến sự nghiệp cầu thủ bị rút ngắn, tổn thất tài chính lên tới hàng trăm triệu cho các câu lạc bộ”.
Từ đầu mùa bóng đá tại châu Âu tới nay, giải NH Anh đang đứng đầu top 5 giải hàng đầu châu Âu, với 106 ca chấn thương, nghỉ thi đấu. Tiến sĩ Richard Steadmanm, chuyên gia phẫu thuật đầu gối, đang làm việc cho nhiều CLB tại NH Anh, cho biết: “Nguyên nhân được cho là bắt đầu từ World Cup 2022, khi giải đấu tại Qatar có thời gian tổ chức vào cuối năm, kéo theo đó là việc mùa giải 2022/23 bị kéo dài”.
Vấn đề sẽ còn càng trở nên trầm trọng hơn khi bắt đầu từ mùa giải 2024/2025, UEFA Champions League sẽ tăng số lượng đội bóng tham dự lên thành 36. Bên cạnh đó là UEFA Club World Cup thay đổi thể thức với 32 đội tham dự trên khắp thế giới. World Cup 2026 tăng số đội tham dự lên thành 48, còn World Cup 2030 thậm chí còn được tổ chức ở 3 châu lục khác nhau gồm Uruguay, Argentina, Paraguay tại Nam Mỹ, Morroco ở châu Phi, và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tại châu Âu.
Không phải thời tiết
Theo báo cáo của công ty Howden, chi phí mà các câu lạc bộ ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu gặp phải do chấn thương của cầu thủ đã tăng 30% từ mùa giải 2021/22 đến mùa giải 2022/23, từ 484 triệu bảng lên 616 triệu bảng.
Trong khi tổng số ca chấn thương giảm ở mùa giải trước từ 4.006 xuống 3.985 thì chi phí lại tăng đáng kể, trong đó các câu lạc bộ Premier League phải gánh chịu nhiều nhất với khoản lỗ 255 triệu bảng, tăng 70,84 triệu bảng trong mùa giải 2021/22. “Chúng tôi chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân số lượng cầu thủ và số ngày cầu thủ nghỉ vì chấn thương tăng lên. Nhưng các số liệu cho thấy rõ rằng việc tổ chức World Cup vào mùa đông châu Âu đã khiến các cầu thủ phải ngồi ngoài thêm 8 ngày trong nửa sau của mùa giải, so với nửa đầu”, James Burrows, Giám đốc Thể thao tại Howden, nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Imtiaz Ahmad, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Premier League, khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học chính xác để khẳng định việc tổ chức World Cup vào mùa đông, cũng như nghiên cứu về hệ quả các bài tập cường độ cao, chế độ dinh dưỡng mà các cầu thủ tuân theo ở CLB dẫn tới số lượng ca chấn thương tăng cao.
Rõ ràng, lịch thi đấu của các cầu thủ ngày càng trở nên dày đặc hơn, chắc chắn sẽ khiến các cầu thủ phải thi đấu và chạy nhiều hơn. Chấn thương tất yếu xảy ra! Và vấn đề chấn thương đã, đang và sẽ còn khiến các CLB, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới, thực sự đau đầu.
Hoàng Hương