Print

Tảng băng lớn nhất thế giới vỡ rời, đe dọa động vật hoang dã

Thứ Ba, 28 /11/2023 08:19

Lần đầu tiên sau hơn ba thập niên, tảng băng trôi lớn nhất thế giới bắt đầu dịch chuyển, tiềm tàng nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Với diện tích gần 4.000 km2, tảng băng trôi ở Nam Cực mang tên A23a có kích thước gần gấp ba lần thành phố New York của Mỹ. Kể từ khi tách ra khỏi Thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986, A23a- từng là nơi đặt trạm nghiên cứu của Liên Xô, đã đứng yên do phần đế của nó mắc kẹt dưới đáy Biển Weddell. Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy tảng băng nặng gần một nghìn tỷ tấn này đang trôi nhanh qua mũi phía Bắc của Bán đảo Nam Cực, được tiếp sức bởi gió và dòng chảy mạnh.

Theo Oliver Marsh, nhà nghiên cứu sông băng tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực, rất hiếm khi quan sát được một tảng băng trôi lớn như vậy đang di chuyển. Do vậy, các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo dịch chuyển của A23a. Nếu tiếp tục tăng tốc, A23a có thể sẽ tiến vào Dòng hải lưu Vòng Nam Cực, theo đó sẽ di chuyển về phía Nam Đại Dương trên con đường được gọi là "hẻm tảng băng trôi"- nơi cũng có nhiều khối băng khác đang nhấp nhô trong vùng nước tối.

Hiện chưa rõ nguyên nhân tảng băng trôi đột ngột dịch chuyển sau hơn ba thập niên. Các chuyên gia cho rằng A23a có thể đã vỡ ra như một phần chu kỳ phát triển tự nhiên của thềm băng, nhưng biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi về băng ở Nam Cực và khu vực này đang mất đi một lượng lớn băng khổng lồ mỗi năm.

"Theo thời gian, tảng băng có thể mỏng đi một chút, do đó nó thể nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi", chuyên gia Oliver Marsh nhận định.

A23a là một trong những tảng băng trôi lâu đời nhất thế giới. Kể từ năm 1980, nó cũng nhiều lần giữ danh hiệu "tảng băng trôi lớn nhất hiện nay", với một số lần bị các tảng băng lớn hơn vượt qua như A68 vào năm 2017 và A76 vào năm 2021 nhưng thời gian tồn tại của chúng ngắn hơn.

Có khả năng A23a sẽ dừng tại đảo Nam Georgia, nơi sinh sản và kiếm ăn của hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển. Nếu nó va chạm với đảo Nam Georgia, những sinh vật này sẽ bị cản trở kiếm ăn và sinh sống.

Năm 2020, tảng băng trôi khổng lồ A68 cũng đã gây báo động rằng nó sẽ va chạm với đảo Nam Georgia, đè chìm các sinh vật dưới đáy biển và cắt đứt nguồn thức ăn của chúng. Thảm họa đó cuối cùng đã được ngăn chặn khi tảng băng nó vỡ thành những phần nhỏ hơn. Rất có thể A23a cũng sẽ có kết cục tương tự.

Tuy nhiên, ông Marsh cảnh báo rằng tảng băng trôi lớn nhất thế giới này có khả năng tồn tại khá lâu ở Nam Đại Dương mặc dù thời tiết ấm hơn nhiều. Sau đó, nó có thể di chuyển xa hơn về phía Bắc tới Nam Phi, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển đường biển.

"Chúng tôi chưa thể biết rõ tảng băng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến mức độ nào", ông nói thêm.

Hồi tháng 5, ảnh vệ tinh của NASA cho thấy A-76A – tảng băng lớn gấp đôi thành phố Los Angeles vỡ thành nhiều mảnh gần đảo Nam Georgia. A-76A là phần lớn nhất còn lại của A-76, tảng băng có diện tích khoảng 4.320 km2 với chiều dài 170 km và chiều rộng 25 km, vỡ ra từ Thềm băng Ronne, châu Nam Cực, hồi tháng 5/2021. Đến tháng 10/2022, hình ảnh vệ tinh cho thấy A-76A, khi đó dài khoảng 135 km và rộng 26 km, đi vào vùng biển "Hành lang Drake, nơi băng trôi thường bị những dòng hải lưu mạnh cuốn khỏi châu Nam Cực.

Hoàng Dương