BHXH quận Cầu Giấy (Hà Nội): “Căng sức” vận động người dân tham gia BHXH, BHYT
Hiện nay, BHXH quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang phải “căng sức” chạy đua với thời gian, song đến thời điểm này, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn là thách thức rất lớn.
Tính đến đầu tháng 11/2023, quận Cầu Giấy có 426.120 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 93,2% dân số), trong khi kế hoạch phải thực hiện là 430.664 người tham gia. Còn về BHXH bắt buộc có 172.054 người tham gia (chiếm 41,2% lực lượng lao động), trong khi kế hoạch phải thực hiện là 181.562 người; về BHXH tự nguyện có 2.852 người tham gia (chiếm 2,1% số người trong diện khai thác), trong khi kế hoạch phải thực hiện là 3.259 người. Rõ ràng, đến thời điểm này, kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT so với kế hoạch được giao vẫn còn “khoảng cách” khá xa.
Lý giải về kết quả này, lãnh đạo BHXH quận Cầu Giấy cho biết, so với năm 2022, các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2023 của quận Cầu Giấy đều tăng cao. Trong khi đó, chỉ tính đến hết tháng 10/2023, đã có 179 đơn vị SDLĐ trên địa bàn quận Cầu Giấy chuyển địa điểm hoạt động sang quận, huyện, tỉnh khác, kéo theo 20.841 NLĐ chuyển tham gia BHYT và 7.522 người chuyển tham gia BHXH bắt buộc. Cũng trong thời điểm này, chỉ có 97 đơn vị với 949 NLĐ chuyển đến và đăng ký tham gia BHXH, BHYT tại quận Cầu Giấy.
Công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại quận Cầu Giấy cũng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm và chưa bền vững. Đơn cử: Năm 2022, phường Nghĩa Tân tăng 1,8%, phường Dịch Vọng Hậu tăng 1,7%, phường Trung Hòa tăng 1,6%...; thì đến nay tăng lên được 2,2%. Trong khi đó, các tổ chức dịch vụ thu hoạt động chưa thực sự hiệu quả; một số cộng tác viên của các tổ chức dịch vụ thu còn chưa nắm chắc về chính sách BHXH, BHYT, hạn chế trong kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền, vận động người dân...
Bên cạnh đó, trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn, chậm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhiều DN phải ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. Từ đó, gia tăng số lao động thiếu việc làm, dẫn đến tăng số người hưởng BHXH một lần, dẫn đến việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc càng thêm khó…
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Việc này kéo theo hệ lụy là tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT tăng cao. Đáng chú ý, một số DN mặc dù có khả năng tài chính, nhưng cố tình chây ỳ chậm đóng, trốn đóng BHXH, không chấp hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy, số DN giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với những DN này cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Đến nay, toàn quận có 2.062 đơn vị chậm đóng BHXH đang trong tình trạng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền chậm đóng lên tới 216,25 tỷ đồng...
Trước tình hình trên, tại cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn quận mới đây, ông Lương Mậu Hùng- Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy đã đề nghị BHXH quận phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đôn đốc thu; đăng tải công khai danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; không vinh danh, khen thưởng những đơn vị, DN vi phạm Luật BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT để người dân và DN thuận lợi trong các giao dịch liên quan BHXH, BHYT.
Châu Anh