Print

Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát về các Chương trình Mục tiêu quốc gia

Thứ Tư, 29 /11/2023 09:03

Với 92,91% số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu quốc gia”.

Nghị quyết nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các Chương trình MTQG đã đạt được một số kết quả nhất định; bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các Nghị quyết của Quốc hội; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các Chương trình MTQG còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình MTQG thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương còn chậm; số lượng văn bản ban hành nhiều, một số nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện; việc giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp chưa chặt chẽ; mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc ở địa phương chưa thực sự hiệu quả. Một số cơ chế đặc thù chậm được ban hành hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ các yếu tố đặc thù dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Bên cạnh đó, việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Phân bổ vốn trung hạn, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 chậm, đặc biệt giao vốn sự nghiệp còn bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các Chương trình.

Đáng chú ý, ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí; việc dừng thực hiện các chính sách ưu tiên áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân mới thoát nghèo, cận nghèo.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng; có một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; việc thực hiện cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế.

“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hậu quả kéo dài; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG. Cùng với đó, các Chương trình còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm; công tác phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; năng lực, trình độ của một bộ phận CBCC còn hạn chế; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG”- Nghị quyết nêu rõ.

Để khắc phục những hạn chế và thực hiện thành công nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết cho phép số vốn NSNN năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn NSNN, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả NSNN trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ Chương trình, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát. Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm TTHC, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG.

Tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS và miền núi; giải quyết những bất cập của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bao gồm việc xây dựng, ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi; hoàn thành hệ thống đánh giá, giám sát các Chương trình MTQG để trao đổi, phản hồi, kết nối kịp thời, công khai, minh bạch và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử từ cơ sở đến huyện, tỉnh, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG...

Ngoài ra, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện, tiến độ, hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn; phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức, đơn vị khác trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và nội dung các Chương trình MTQG trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện các Chương trình MTQG…

Trước đó, với 93,52% số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Vũ Thu