Print

Xét nghiệm tầm soát sớm ung thư tràn lan: Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 29 /11/2023 10:08

Khẳng định “cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại”, PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay là “lợi bất cập hại”…

Khi nào cần các xét nghiệm chỉ dấu ung thư?

Xét nghiệm Marker ung thư được định nghĩa là xét nghiệm chỉ dấu ung thư: Phát hiện những chất được tạo thành bởi các tế bào ung thư hoặc phản ứng của cơ thể (mô bình thường) đáp ứng trước sự hiện diện của khối u. Chia sẻ thực trạng “việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư" tràn lan như hiện nay, đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị những người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm “lợi bất cập hại” này”, PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu cũng giải đáp câu hỏi mà nhiều người thắc mắc “Tại sao người ta lại nghiên cứu ra các marker ung thư?”.

Chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay là “lợi bất cập hại”

Chuyên gia y tế này chỉ rõ: “Các marker ung thư được chỉ định sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u... sẽ được chỉ định marker liên quan và xét nghiệm theo dõi dọc thời gian. Nếu các chỉ số này tăng đột biến là cảnh báo sự tái phát của ung thư, còn nếu giảm hoặc giữ nguyên theo thời gian là dấu hiệu bệnh nhân đã đáp ứng tốt theo phương pháp điều trị đang thực hiện”.

Suy tư về “việc sàng lọc ung thư một cách vô tội vạ hiện nay”, PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu dẫn chứng câu chuyện thực tế từ chính gia đình mình: “Bố mẹ tôi đều bị ung thư giai đoạn khá muộn mặc dù vẫn khám sức khoẻ định kỳ. Đều được làm marker ung thư, nhưng kết quả vẫn không phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh. Không biết bao nhiêu trường hợp giống như vậy và chắc chắn rất hiếm người được may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như bố mẹ tôi”.

Trên trang mạng xã hội của mình, chuyên gia y tế này cũng kể một câu chuyện “bất cập” khác xảy ra với một bệnh nhân cũ của mình sau khi thực hiện khám sàng lọc ung thư. Người đàn ông lớn tuổi bị hẹp động mạch thận đã can thiệp đặt stent tại BV Đại học Y Hà Nội từ nhiều năm trước. Ông dùng thuốc theo đơn của PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu hơn 5 năm không khám lại, nhưng mọi việc vẫn ổn thoả vì là người cẩn thận, không quên thuốc huyết áp và chống đông bao giờ.

Gần đây, cả hai ông bà được con gái đưa đi tầm soát ung thư với gói dịch vụ trị giá hơn 20 triệu đồng. Rất nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh được sử dụng, thậm chí cả chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân, với số lượng kết quả khiến cả chuyên gia y tế cũng phải "hoa cả mắt". Tất cả các marker ung thư đều được kiểm tra từ đơn giản như PSA, alpha FP... cho đến phức tạp.

“Không biết có phải do nhiều kết quả in đậm (cao hơn giới hạn tham chiếu) khiến bác lo lắng và huyết áp bị tăng lên”- PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ. Sau khi khám kỹ lưỡng, PGS.Hiếu cũng không đổi thuốc, mà chỉ giải thích cắt nghĩa, đồng thời hướng dẫn người bệnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. 

Chuyên gia y tế này cũng đặc biệt khuyến cáo: “các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan), các marker khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy. Có nghĩa là, dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được, trong khi ngược lại khiến rất nhiều người chủ quan với kết quả này...”.

Hệ lụy cho chính người được "khám sàng lọc" không cần thiết

Vậy làm thế nào để sàng lọc ung thư? Đặt ra và trả lời câu hỏi này, PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: Để sàng lọc ung thư, mỗi bệnh nhân “cần được khám và tư vấn chuyên khoa, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm cần thiết”. Nhấn mạnh “cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại”, chuyên gia y tế phân tích và dẫn chứng một góc nhìn chuyên môn: “Không thể tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp cắt lớp CT Scanner cho một nữ thanh niên không có tiền sử gì đặc biệt, nhưng ngược lại rất cần ở nam giới tuổi cao hút thuốc bị gầy sút chưa rõ nguyên nhân. Xin hãy thực sự cân nhắc trước các lời tư vấn xét nghiệm các bạn nhé!...".

Đồng quan điểm, PGS-TS.Nguyễn Khoa Hùng- Giám đốc BV Trường Đại học Y Dược Huế cũng đau đáu vấn nạn: “Tầm soát ung thư (screening) để phát hiện sớm ở Việt Nam đang bị hiểu sai, một số nơi làm không đúng và có nơi lạm dụng, để lại những hệ luỵ mà trước mắt là người được “khám sàng lọc” sẽ gánh chịu”.

PGS-TS.Nguyễn Khoa Hùng dẫn chứng ngay từ việc sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến- căn bệnh đứng trong top 5 các bệnh ung thư thường gặp ở nam giới Âu Mỹ theo GLOBOCAN 2018. Hiện ở Mỹ, sử dụng phương pháp định lượng PSA máu (PSA-screening)- một xét nghiệm đơn giản, nhanh và giá cả hợp lý, không gây hại cho bệnh nhân. Nhưng theo Hiệp hội Niệu khoa (AUA) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ, xét nghiệm này cũng cần được chỉ định đúng, chỉ dẫn rõ nên làm cho đối tượng nào, không được làm cho đối tượng nào, nếu lần đầu kết quả bình thường thì bao lâu mới được làm lại?...

Vì sao phải chặt chẽ như vậy? Bởi vì, theo nhiều nghiên cứu, nếu chỉ định xét nghiệm PSA không đúng sẽ dẫn đến chỉ định quá tay các xét nghiệm tiếp theo (MRI, sinh thiết…), điều trị quá mức, chi phí cao, biến chứng do phương pháp điều trị, dẫn đến tổn hại sức khoẻ tinh thần, thể chất (và cả tình dục). Chưa kể PSA tăng còn do nhiều nguyên nhân khác, độ nhạy và độ đặc hiệu cũng có giới hạn… Về sức khỏe tinh thần, nếu kết quả xét nghiệm tăng mà không phải ung thư cũng sẽ làm bệnh nhân lo lắng, nghi ngờ, ảnh hưởng cuộc sống. Ngược lại, PSA cũng có thể cho kết quả bình thường ngay trong một số trường hợp K tiền liệt tuyến.

“Cho đến nay, các chương trình tầm soát sớm ung thư tiến liệt tuyến trên thế giới vẫn chưa giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này”- PGS-TS.Nguyễn Khoa Hùng cho biết. Đây là một ví dụ để thấy cần chống lại việc “lạm dụng tầm soát ung thư phát hiện sớm”. PGS-TS.Nguyễn Khoa Hùng cũng khuyến cáo thêm: "Các chuyên ngành, các hội chuyên ngành, các bác sĩ chuyên khoa cần xây dựng các khuyến cáo và hướng dẫn tầm soát phù hợp, vừa có tính cộng đồng, vừa có tính chuyên khoa, để mục đích cuối cùng là giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư".

Thái An