Print

Cảnh báo đáng sợ về nguy cơ lũ lụt ven biển

Thứ Tư, 29 /11/2023 15:00

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ngày 28/11, công bố dữ liệu đáng báo động cho thấy nguy cơ lũ lụt ven biển đang tăng lên đáng kể.

Theo UNDP, trong hai thập niên qua, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt cho 14 triệu người ở các vùng ven biển, và nguy cơ này dự kiến sẽ tăng gần gấp 5 lần vào năm 2.100, ảnh hưởng đến gần 73 triệu người.

Dữ liệu trên được UNDP phối hợp với Phòng thí nghiệm tác động khí hậu (CIL) công bố thông qua nền tảng Human Climate Horizons. Công cụ này cung cấp bản đồ chi tiết về khả năng xảy ra lũ lụt, làm nổi bật các vùng mà nhà cửa và cơ sở hạ tầng gặp rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng.

Đáng chú ý, các khu vực ở Mỹ Latinh, Châu Phi và Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng ngập lụt thường xuyên. Điều này có thể tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của con người, với các khu vực trũng thấp ở các tiểu quốc đảo đang phát triển phải chịu rủi ro đặc biệt. 

Theo các kịch bản về tình trạng ấm nóng toàn cầu nghiêm trọng nhất, khoảng 160.000 km2 đất ven biển có thể chìm dưới nước vào năm 2100. Viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thành phố lớn ở ven biển tại các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo, việc giảm phát thải đáng kể sẽ có thể cứu được khoảng một nửa diện tích đất có nguy cơ bị ngập lụt.

Pedro Conceicao, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động khẩn cấp để giảm thiểu những rủi ro này.

"Nghiên cứu mới của chúng tôi từ UNDP và Phòng thí nghiệm tác động khí hậu là một lời nhắc nhở khác đối với những người ra quyết định tham dự COP28 rằng đã đến lúc phải hành động", ông nói.

COP28 là phiên họp thứ 28 của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Phiên họp này dự kiến sẽ được tổ chức tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12. Giữ vai trò nước chủ nhà đăng cai hội nghị, UAE đang tập trung thúc đẩy các giải pháp thiết thực và tích cực để đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết khí hậu, cải thiện nền kinh tế và cung cấp viện trợ, hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. 

Báo cáo nói trên cảnh báo thêm, nếu không có hệ thống phòng thủ bờ biển hiệu quả, một số thành phố lớn trên toàn thế giới có thể sẽ phải chứng kiến hơn 5% diện tích của họ bị ngập nước vào cuối thế kỷ này

Human Climate Horizons không chỉ đưa thông số về mực nước biển dâng mà còn đưa ra số liệu dự báo về những tác động rộng lớn hơn của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ, tỷ lệ tử vong, sử dụng năng lượng và động lực lực lượng lao động trên 24.000 khu vực trên toàn cầu.

Bà Hannah Hess, một thành viên CIL, nhấn mạnh rằng những dự đoán này là một lời kêu gọi hành động. 

Mới đây, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York của Mỹ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 đã tổ chức phiên thảo luận về mối đe dọa sống còn của nước biển dâng trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu. Chủ tịch Dennis Francis nêu ra những tác động ngày càng phổ biến và rõ rệt của tình trạng nước biển dâng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ các nước đang chịu tác động trực tiếp của tình trạng này cũng như của các hiện tượng biến đổi khí hậu khác.

Theo ông Francis, nước biển dâng cũng đang làm dấy lên câu hỏi về biên giới quốc gia, chủ quyền, vùng biển và tình trạng thành viên Liên Hợp Quốc. Ông hối thúc các nước đảm bảo an ninh và sự bền vững trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu; hướng tới cách tiếp cận tập thể để hiện thực hóa lời kêu gọi "không bỏ ai lại phía sau".

Hoàng Dương