Print

Thái Lan tăng lương cho công chức nhà nước

Thứ Năm, 30 /11/2023 08:14

Nội các Thái Lan, ngày 28/11, đã phê chuẩn đề xuất của Ủy ban Dịch vụ dân sự (OCSC) về việc tăng lương cho công chức, viên chức nhà nước lên 10% trong 2 năm tới để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Việc tăng lương dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 5/2024 sau khi dự luật ngân sách tài khóa 2024 được ban hành vào tháng 4 năm sau.

Theo ông Danucha Pichayanan, Tổng Thư ký Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC), với quyết định trên, mức lương khởi điểm đối với các công chức mới được tuyển dụng sẽ là 18.000 baht (khoảng 500 USD), trong khi các vị trí khác sẽ được điều chỉnh mức tăng tương ứng. Cục Ngân sách và các cơ quan chính phủ có liên quan sẽ thảo luận về các nguồn ngân sách tài trợ cho việc tăng lương.

Trước đó, OCSC, NESDC, Bộ Tài chính và Cục Ngân sách Thái Lan đã tán thành đề xuất tăng lương cho các công chức, viên chức thêm 10% tại cuộc họp do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Parnpree Bahiddha-Nukara - người phụ trách OCSC - chủ trì vào tuần trước.

Thái Lan có khoảng 1,68 triệu công chức, viên chức nhà nước, trong đó có khoảng 427.000 giáo viên và nhân viên giáo dục, 421.000 công chức và 325.000 quân nhân.

Cách đây không lâu, Thái Lan đã tăng lương tối thiểu cho người lao động thêm 5-8%, từ mức 340 baht (9,04 USD) mỗi ngày lên 354 baht (9,76 USD) tùy theo từng khu vực có mức thu nhập và chi phí sinh hoạt thấp hay cao. Điều đó có nghĩa là những người đang làm việc ở các thành phố lớn như Bangkok, Phuket và Chiang Mai sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, quyết định này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại vì chi phí lao động gia tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, đặc biệt là sau khi nền kinh tế lao đao do 2 năm đóng cửa vì COVID-19.

Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, hãng tư vấn trực thuộc Ngân hàng Kasikorn, cho biết mức lương cao hơn sẽ tạo gánh nặng cho các ngành nông nghiệp, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, xây dựng và may mặc vốn thâm dụng lao động. Trung tâm này dự báo lợi nhuận của các lĩnh vực này có thể giảm từ 5-15% trong năm nay.

Nền kinh tế Thái Lan đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm nhất trong năm và giới phân tích nhận định xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 20/11, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý 3 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 2,4% của các nhà kinh tế và thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% trong quý 2. Dữ liệu này đánh dấu quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế Thái Lan giảm tốc.

Ông Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng DBS, nhận xét, nguyên nhân đằng sau sự chậm lại của Thái Lan là do chi tiêu công, hàng tồn kho và xuất khẩu hàng hóa bị sụt giảm, bất chấp tiêu dùng tư nhân và du lịch tăng trưởng mạnh.

Thái Lan đã trải qua nhiều tháng bế tắc chính trị và chứng kiến biến động trên thị trường chứng khoán. Mãi đến cuối tháng 9, ông Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan, trong bối cảnh các nhà kinh tế đánh giá sự phục hồi kinh tế dài hạn có thể gặp nhiều thách thức.

Các nhà phân tích tại Bank of America Global Research cho biết, các quý liên tiếp GDP yếu báo hiệu nền kinh tế Thái Lan kém hơn so với tâm lý thị trường thể hiện bất chấp tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Họ dự đoán tác động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ rõ rệt hơn trong tương lai.

Hoàng Dương