Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam: An sinh xã hội là trụ cột
Ngày 30/11, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH-ĐT) tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.
Xu hướng tất yếu
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh, với việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh từ năm 2012. Gần đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững.
“Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai”- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm "chìa khóa" then chốt, là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách. Điều này đòi hỏi chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn, nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường. Việt Nam xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, khuyến khích năng lượng sạch...
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, DN và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể như, về tính bao trùm ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều (GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng).
Thực tế này kéo theo năng suất lao động có sự phân cực mạnh giữa các địa phương, khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao như: Bà Rịa-Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP.HCM (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người). Trong khi đó, một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất thấp như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người)… Đồng thời, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn…
Xét về tính bao trùm ở cấp độ DN, trong khi số lượng DN và NLĐ làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, thì khu vực nhà nước giảm xuống. Vì vậy, theo nhóm chuyên gia, trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng DN FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối DN trong nước. Nguyên nhân là DN trong nước gặp khó khăn khi thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, do hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ…
Về tính bao trùm ở cấp độ người dân, tỷ lệ lao động đang làm việc hằng năm trên tổng dân số của Việt Nam giảm từ 57,3% năm 2011 xuống còn 49,82% năm 2021. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng, từ 2,22% năm 2011 lên 2,48% năm 2020 và đạt đỉnh 3,2% năm 2021. Bên cạnh đó, theo thống kê, cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 13 triệu người thuộc nhóm lao động yếu thế. Trong đó, 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 1 triệu lao động di cư, 180.000 lao động nhiễm HIV, 190.000 lao động nghiện ma túy…
Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhóm chuyên gia, xét về tổng thể, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và quý giá để thực hiện phát triển bền vững; đặc biệt là tập trung vào tăng trưởng xanh, lan tỏa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng.
An sinh xã hội là trụ cột quan trọng
Chia sẻ kinh nghiệm của Australia về chuyển dịch xanh, Đại sứ Australia tại Việt Nam- ông Andrew Goledzinowski cho biết: “Australia đã chuyển dịch chậm 10 năm, đó là quãng thời gian Australia không bao giờ có thể lấy lại, Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ bài học của chúng tôi”. Theo ông Goledzinowski, chuyển dịch năng lượng ảnh hướng nhiều ngành nghề, các lĩnh vực, do đó những nhà hoạch định cần lắng nghe các chuyên gia, ý kiến của cộng đồng, từ đó giành niềm tin của xã hội và phát triển theo hướng thích hợp với từng quốc gia.
TS.Vũ Minh Khương- Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cũng cho rằng, sự thâm nhập và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ giúp thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và nỗ lực nghiên cứu phát triển trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tạo tiền đề cho các phát minh sáng tạo có thể còn lớn hơn. Những thay đổi mang tính cách mạng và chuyển đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính bao trùm, chất lượng cuộc sống, tính bền vững và khả năng chống chịu…
Tham gia ý kiến về đề tài này, GS-TS.Giang Thanh Long- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý, trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa, số hóa, đô thị hóa, trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.
Con số thống kê sau đại dịch Covid-19 cho thấy, số lao động yếu thế có xu hướng tăng với minh chứng là tỷ lệ lao động thất nghiệp có xu hướng tăng lên. Một số mất việc do DN, cơ sở kinh tế bị thu hẹp hoạt động; một số sức khỏe bị ảnh hưởng nên không thể tiếp tục công việc đã từng làm, giờ thất nghiệp hoặc phải làm việc trái tay; một số từng về quê tránh dịch nay phải đến nhiều khu vực khác nhau để tìm việc trong bối cảnh việc làm ngày càng khó tìm; một số lao động tự do phải nghỉ việc giờ muốn quay trở lại làm việc cũng đang gặp khó khăn...
Do đó, theo chuyên gia, dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu thế nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó. "Cải cách hệ thống BHXH nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây”- GS-TS.Giang Thanh Long nhấn mạnh.
Thái An