Ô nhiễm môi trường và người nghèo cùng cực
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính cứ 10 người trên thế giới, có 1 người vừa bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, vừa sống trong cảnh nghèo đói. Tỷ lệ này tương đương với 10% tổng dân số thế giới.
Có rất nhiều lý do khác nhau gây ra tình trạng nghèo đói nói chung, nghèo cùng cực nói riêng. Sức khỏe, điều kiện sống kém, nguồn thức ăn và nước sạch hạn chế... dẫn đến vòng đói nghèo cứ lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, còn một yếu tố có tác động rất lớn mà có lẽ không phải ai cũng nghĩ đến, đó là ô nhiễm môi trường.
Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước có tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các cộng đồng đang sống trong nghèo đói. Do nguồn lực để giải quyết vấn đề này không dồi dào, số liệu cho thấy, 92% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Trong đó, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của ô nhiễm, nhất là từ các hóa chất trong không khí và nước.
Có một thực tế là đa phần mọi người trên thế giới sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa sử dụng một lần rồi vứt đi như chai nước, ống hút hay lọ đựng nhu yếu phẩm (dầu gội, sữa tắm…). Tại các quốc gia thu nhập trung bình và thấp, người dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận đầy đủ với việc quản lý, xử lý chất thải rắn. Việc này khiến người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đốt rác hoặc đổ xuống sông, hồ.
Trong khi đó, đốt nhựa thường thải ra khói độc, có liên quan đến sự phát triển thần kinh của con người. Đổ nhựa xuống sông, hồ, thì nguồn nước có nguy cơ nhiễm bẩn, làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh. Nước đọng cũng thu hút muỗi, chúng có xu hướng mang ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết gây tử vong, những căn bệnh phổ biến nhất ở các quốc gia nghèo.
Nghe qua thì ô nhiễm và nghèo đói có vẻ không liên quan đến nhau, song thực tế là ô nhiễm làm trầm trọng thêm nghèo đói. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy, không khí sạch và nước sạch không phải là một “đặc ân” mà là “quyền lợi” của con người. Các Chính phủ và tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện trên thế giới đã, đang coi việc nỗ lực giảm ô nhiễm để chống đói nghèo là chìa khóa quan trọng để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.
Chẳng hạn câu chuyện của một trong những tổ chức đi đầu trong phong trào chống ô nhiễm nhựa là Plastics For Change. Vào năm 2011, Andrew Almack đi du lịch khắp Nam Á và bị sốc khi thấy “có bao nhiêu người sống trong cảnh nghèo cùng cực, thì có bấy nhiêu rác thải nhựa hiện diện khắp khu vực”. Kết thúc chuyến đi, Almack nhận thấy cần phải làm gì đó để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm, vì thế thành lập Plastics For Change.
Tổ chức Plastics For Change hoạt động với nỗ lực chống đói nghèo; cung cấp việc làm và sinh kế cho người dân ở các cộng đồng nghèo; giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách tạo ra và phổ biến các cách xử lý rác thải đúng cách… “Hãy tái chế và sử dụng nhựa tái chế”- Andrew Almack tin tưởng- “Không chỉ cá nhân, mà các công ty, tập đoàn, thương hiệu cũng nên chuyển sang phương thức này để cùng tham gia vào việc giảm ô nhiễm và chống đói nghèo”.
Tùng Anh (Theo CNA)