Toàn ngành BHXH Việt Nam phải đảm bảo tối ưu quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT
Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 12/2023. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, đây là tháng cuối cùng của năm 2023 để toàn Ngành quyết liệt triển khai, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, toàn Ngành đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, nhưng dư địa thực hiện vẫn còn nhiều. Vì vậy, đòi hỏi toàn Ngành cần triển khai nghiêm túc, bám sát sự chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao năm 2023; đặc biệt cần phấn đấu hoàn thành trách nhiệm với nhân dân trong bảo đảm an sinh xã hội.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong tháng 11, các đồng chí lãnh đạo Ngành đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương; với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT một số tỉnh và huyện. Tổng Giám đốc cũng làm việc với BHXH các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền, cụ thể: Tại Hà Nội làm việc với BHXH 11 tỉnh, thành phố phía Bắc; tại Đà Nẵng làm việc với BHXH 8 tỉnh, thành phố miền Trung; tại TP.HCM làm việc với BHXH 12 tỉnh, thành phố phía Nam.
Qua các buổi làm việc cho thấy, cơ bản BHXH các tỉnh, thành phố đã bám sát, nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của BHXH Việt Nam và của địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dư địa trong phát triển người tham gia vẫn còn nhiều, cần khẩn trương, cố gắng triển khai các giải pháp để hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.
Báo cáo tại Hội nghị, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/11, toàn quốc ước có khoảng 17,523 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó gồm: Về BHXH bắt buộc có 16,015 triệu người tham gia, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2022; về BHXH tự nguyện có 1,508 triệu người tham gia, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2022; về BH thất nghiệp có 14,307 triệu người tham gia, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 30,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Riêng về BHYT, cả nước có 91,837 triệu người tham gia, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 92,81% dân số.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Trong 11 tháng của năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết cho 85.407 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, trên 1 triệu người hưởng chế độ BHXH một lần; giải quyết hưởng mới BH thất nghiệp cho 964.210 người; giám định và chi trả chi phí KCB BHYT cho 157.091.422 lượt người. Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành; truyền thông chính sách; thanh tra, kiểm tra; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành... cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tại Hội nghị, đại diện BHXH các tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Quảng Trị…) cũng đã báo cáo về việc thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua; đồng thời nêu rõ các giải pháp đang được cơ quan BHXH triển khai quyết liệt, nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị liên quan đến công tác thu, phát triển người tham gia, chi phí KCB, ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ…
Thông tin tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã có chuyển biến tích cực; song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đó, theo ông Hào, các địa phương cần phải có giải pháp đột phá để đảm bảo thực hiện mục tiêu năm 2023, trong đó đặc biệt lưu ý phải hoàn thành chỉ tiêu về BHXH, BHYT. “Cần nâng cao chất lượng thực hiện kịch bản thu, phát triển người tham gia; chủ động tham mưu để huy động ngân sách địa phương hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT; hoàn thành rà soát danh sách người tham gia theo nhóm đối tượng; rà soát kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã là các Trưởng bản, Trưởng thôn, Trưởng ấp để làm tiền đề thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tháng 12 và các năm tiếp theo”- ông Hào nhấn mạnh.
Ông Bùi Quang Huy- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra trao đổi tại Hội nghị
Liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, ông Bùi Quang Huy- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra cho biết, thời gian qua, toàn Ngành đã chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch. Theo đó, tính đến thời điểm này, đã hoàn thành 96% kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đối với các địa phương có tỷ lệ chậm đóng trên 3 tháng với mức chậm đóng lớn, ông Huy đề nghị tăng cường đôn đốc, đẩy mạnh thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, ông Huy cũng lưu ý các địa phương quan tâm, tăng cường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc xử lý vi phạm hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị như: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT, Trung tâm CNTT, Vụ Tài chính-Kế toán... đã phát biểu, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị liên quan lĩnh vực phụ trách, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố bám sát các giải pháp, kịch bản của BHXH Việt Nam về phát triển người tham gia và công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến sự phối hợp 3 bên (giữa BHXH cấp huyện với Ban Chỉ đạo cấp xã và các tổ chức dịch vụ thu). Tuy nhiên, do một số địa phương chưa kiện toàn được Ban Chỉ đạo cấp xã, nên Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu giao Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ theo dõi, hướng dẫn BHXH các địa phương khẩn trương thực hiện trong tháng 12/2023; đồng thời giao Trung tâm CNTT hoàn thiện, tổ chức tập huấn cho BHXH các địa phương về các điểm mới của phần mềm quản lý thu.
Đối với lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu BHXH các địa phương tăng cường công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia. Giám đốc các tỉnh cần rà soát các nhiệm vụ được BHXH Việt Nam và UBND tỉnh giao trong lĩnh vực này; cũng như cần nghiêm túc triển khai, không để tồn đọng; tập trung rà soát các chi phí tăng cao bất thường về chỉ định nội trú, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền giường…; kiểm soát dữ liệu do các cơ sở KCB đẩy lên hệ thống phải khớp với hồ sơ thanh toán, cần kiểm tra xác suất để đánh giá.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương
Trong thanh toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức trước năm 2022 theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, được thanh toán theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT và BHXH các tỉnh rà soát kỹ các hồ sơ thuyết minh, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thanh toán trùng. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng giao Ban Thực hiện chính sách BHYT và Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT chủ động hơn nữa trong phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan trong xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) và các Thông tư về mở rộng quyền lợi, danh mục thuốc thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao kết quả toàn Ngành đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chịu tác động sau dịch bệnh, suy thoái và xung đột toàn cầu. Đáng chú ý, theo Tổng Giám đốc, các chỉ tiêu của Ngành đều đã tăng so với cùng kỳ, nhiều tỉnh đã tiệm cận số hoàn thành. Nhấn mạnh việc hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu là trách nhiệm với người dân, NLĐ, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị cần rà soát lại tất cả các công việc, nhiệm vụ được giao từ đầu năm đến nay; cũng như các công việc tồn đọng cần tập trung giải quyết, để phấn đấu đến ngày 20/12 sẽ cơ bản hoàn thành.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định: “Giải pháp đã có nhiều, thời gian này, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần đôn đốc BHXH các tỉnh bám sát các quy trình, kịch bản trong phát triển người tham gia, thu, giảm nợ đã được Ngành ban hành, hướng dẫn thì mới hoàn thành được”. Bên cạnh đó, tiếp tục đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho người tham gia trên địa bàn; đặc biệt là các quy định mới theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/12 tới; đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB để phục vụ, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp xã. Trong giảm nợ, BHXH các địa phương thực hiện ngay việc gửi thông báo đến tất cả các DN nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; kết hợp đồng bộ các giải pháp mời làm việc, cam kết, công khai thông tin, kiểm tra, thanh tra, chuyển cơ quan điều tra… Công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi chế độ, chính sách cũng cần đặc biệt chú ý, trong đó cần tăng cường hơn nữa trong những tháng cuối năm, thực hiện rà soát hệ thống, cán bộ, làm đúng các quy trình, quy định, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý khi phát hiện sai phạm… "Toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, truyền thông và tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm người đứng đầu…"- Tổng Giám đốc lưu ý.
Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc đã đánh giá cao công tác thông tin, truyền thông về các kết quả của Ngành, qua đó giúp đưa chính sách đến với đông đảo người dân, NLĐ, các cấp ủy, chính quyền, đại biểu Quốc hội, phục vụ tốt quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội khóa XV. Tổng Giám đốc lưu ý thêm "Các nội dung mới của luật khi được thông qua, thì nhiệm vụ của Ngành sẽ rất nặng nề với nhiều đối tượng tham gia mới, nhiều biến động. Vì vậy toàn Ngành cần chủ động nghiên cứu để có giải pháp quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả".
Hà Thủy