Hơn 6,5 triệu lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách BH thất nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Đến nay, đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 13 triệu người; hơn 6,5 người hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Theo bà Nguyễn Thị Quyên- Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, qua gần 10 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp trong Luật Việc làm, đến nay đã có trên 14 triệu người tham gia BH thất nghiệp.
Cùng với đó, chính sách đã phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Qua tổng kết, đến nay chính sách này đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 13,25 triệu người; hỗ trợ học nghề cho trên 252.000 người; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm tại 32 đơn vị với 3.200 NLĐ. Riêng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt hơn 6,5 triệu người. Đặc biệt, kết dư Quỹ BH thất nghiệp tính đến 31/12/2022 là 59.375 tỷ đồng. “Mặc dù số tiền lớn nhưng nếu đưa ra một vài chính sách có hiệu lực, hiệu quả như hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp do thay đổi dây chuyền sản xuất; thay đổi lĩnh vực kinh doanh từ nguồn này sẽ giúp tránh được thất nghiệp tạm thời. Nếu chia nhỏ cho các chính sách hỗ trợ thì quỹ không lớn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc tham mưu, sử dụng, hoạch định quỹ này như thế nào cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất”- bà Quyên thông tin.
Cũng theo bà Quyên, Quỹ BH thất nghiệp là quỹ để tham gia ngắn hạn, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp có tham gia, có đóng-có hưởng. Người tham gia cũng được thụ hưởng các chính sách của nhà nước và khuyến khích NLĐ sớm quay lại thị trường lao động, chứ không khuyến khích hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy vậy, qua thực tiễn triển khai, chính sách BH thất nghiệp đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, nhất là còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp; đối tượng chưa bao phủ hết nhóm lao động có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; cơ chế quản lý tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BH thất nghiệp còn bất cập.
Mặt khác, qua phản ánh từ các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và báo cáo tổng kết đánh giá chính sách BH thất nghiệp thì có ý kiến cho rằng, chính sách BH thất nghiệp đang còn thụ động. Điều này thể hiện ở các khía cạnh như: kết quả dự báo chưa sát, đào tạo chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động; chính sách hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo cho NLĐ chưa hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận... Chính vì vậy, trong Luật Việc làm sửa đổi tới đây, nội dung này sẽ tiếp tục được hoàn thiện tốt hơn. “BH thất nghiệp sẽ phát huy vai trò chủ động của thị trường lao động, nghĩa là phải nắm bắt thông tin, tăng cường công tác phân tích dự báo. Đặc biệt, chính sách phải đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tiếp cận được. Đồng thời, phải dự báo được trong giai đoạn tới Nhà nước sẽ chú trọng vào các ngành công nghiệp nào nhằm đưa ra dự báo được nhu cầu nhân lực tại chỗ, hoặc đào tạo chuyển đổi nhằm theo kịp nhu cầu của thị trường”- bà Quyên nhấn mạnh.
V.Thu