Print

“Gỡ khó” tăng nguồn tạng hiến tại Việt Nam

Thứ Sáu, 08 /12/2023 12:25

Tại Việt Nam hiện nay, trong khi nhu cầu ghép tạng rất lớn và đang ngày càng tăng lên thì nguồn tạng để ghép vẫn rất hạn chế, hiện tại hơn 90% số tạng để ghép hiện nay là từ người cho sống. Theo các chuyên gia, nhằm tăng nguồn tạng hiến cần xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu, tạo lập kết nối giữa người chờ hiến tạng và người hiến tạng tiềm năng. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách cho gia đình người hiến tạng.

Mặc dù đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực ghép tạng trong 30 năm qua, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu nguồn cung nội tạng, khả năng phối hợp ghép tạng hạn chế... Bệnh nhân cũng phải đối mặt với việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hậu phẫu ghép tạng, nguồn cung cấp thuốc ức chế miễn dịch không ổn định và thiếu nền tảng tương tác hiệu quả giữa bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo đề cương Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác được tổ chức mới đây, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam thực hiện ca ghép tạng lần đầu tiên vào tháng 6-1992. Đến ngày 11/2/2010, ca ghép tạng đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên trong số này chỉ có 466 và 7 ca ghép tạng từ người chết tim, tương đương với 5,92% số ca ghép đã thực hiện.

Qua nghiên cứu cho thấy, đa phần quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng trên 1 triệu dân cao nhất thế giới thì 50% số ca hiến từ người trẻ (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tại các nước này đều không giới hạn độ tuổi ở người sau khi chết, thậm chí một số quốc gia như Hàn Quốc còn quy định tuổi cận dưới, lấy từ 16 tuổi thay vì 18 tuổi như Việt Nam hiện nay...

Trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thế người và hiến lấy xác năm 2006 của Việt Nam mới có có quy định về tình trạng chết não là "tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và nguời chết não không thể sống lại được", chứ chưa có quy định về chết ngừng tim. Luật này cũng quy định về độ tuổi lấy tạng ở người hiến sống điểm cận dưới (nghiêm cấm lấy mô, bộ phận cơ thể người ở người sống dưới 18 tuổi) và quy định quyền hiến mô, tạng và hiến xác "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác" chứ chưa có những quy định cụ thể về điểm cận trên, cận dưới của tuổi hiên mô, tạng ở người sau khi chết.

Theo các chuyên gia, đây là một hạn chế trong thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện vận động lấy tạng từ người sau sau khi chết, nhất là người chết não dưới 18 tuổi. Do đó, nhiều chuyên gia tham luận tại Hội thảo đã đề xuất cần thiết phải có quy định điều chỉnh, mở rộng độ tuổi đối với người hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể chết não.

Chia sẻ về những giải pháp nhằm tăng nguồn tạng hiến, ông Đỗ Trung Hưng- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác sau khi đi vào thực hiện đã có một số bất cập cần sửa đổi. Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi là tăng nguồn hiến tạng. Giải pháp đầu tiên là xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu, tạo lập kết nối giữa người chờ hiến tạng và người hiến tạng tiềm năng. Hiện nay, hệ thống của chúng ta chỉ mới có thông tin người chờ hiến, nhưng chưa có thông tin người có tiềm năng (hiến tạng sau khi chết, chết não). Vì vậy, cần hoàn thiện được cơ sở dữ liệu đồng bộ với tất cả bệnh viện.

"Ngay khi người bệnh chết não, đối chiếu theo thông tin đăng ký hiến tạng tích hợp trên căn cước công dân sẽ có thể nhanh chóng lấy tạng của người hiến cứu sống các bệnh nhân đang trong danh sách chờ. Cùng với đó, cần có thêm chính sách cho gia đình người hiến tạng. Hiện nay có rất nhiều đối tượng được hưởng BHYT miễn phí, trong khi đó, số người hiến tạng không nhiều, vì vậy có thể thêm BHYT để động viên, khuyến khích gia đình người hiến tạng”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết.

Đồng quan điểm với ông Hưng, ông Nguyễn Hoàng Phúc- Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có ngày hiến tạng quốc gia, nhiều hoạt động vinh danh tưởng niệm người hiến mô, tạng như Ngày Hiến tạng Ấn Độ là ngày 3/8; Hàn Quốc ngày 9/9; Trung quốc là ngày 11/6,… "Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên có một Ngày hiến tạng Việt Nam. Trong đó, trung tâm đề xuất ngày 1/7 là ngày Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (ngày 1/72007)"- Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đề xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng đồng thời khẳng định vai trò của truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng là rất quan trọng. Việt Nam cũng cần có thêm những hoạt động để tuyên truyền tăng nguồn hiến tạng, cứu sống người bệnh nhiều hơn nữa. Theo kinh nghiệm về hoạt động truyền thông tại Mỹ, Hàn Quốc,... vận động hiến tặng mô, tạng không chỉ thực hiện trên kênh truyền thông đại chúng mà tiếp cận ở nhiều môi trường khác nhau. Họ truyền thông ở cơ cở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở tôn giáo...

"Chúng ta không chỉ nói hiến tạng có ý nghĩa thế nào mà từ những câu chuyên cụ thể sẽ giúp cộng đồng hiểu hơn về việc hiến tạng, về nghĩa cử cao đẹp, cứu sống những người bệnh khác. Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt tên những con đường là tên người hiến tạng tiêu biểu để lan tỏa thêm việc hiến tặng mô, tạng trong cộng đồng"- ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng cho rằng cần đưa chẩn đoán chết não và hiến tạng vào chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục; tích hợp đăng ký hiến tạng vào căn cước công dân. Đồng thời, xây dựng chương trình phối hợp Bộ Y tế- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội vận động hiến tạng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam...

Hà Hùng