BHXH tỉnh Lạng Sơn: Tăng cường các giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT
Bên cạnh việc truyền thông phát triển các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH tỉnh Lạng Sơn còn đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tăng thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT.
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, thời gian này, BHXH Lạng Sơn đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng như đôn đốc thu, thu nợ BHXH. Cơ quan BHXH cũng xác định truyền thông, tư vấn là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hằng tháng, BHXH tỉnh đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu để từ đó chỉ đạo BHXH các huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube). Cùng với đó, BHXH từ tỉnh đến các huyện tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể… tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền đã được các cán bộ BHXH linh hoạt cách thức tổ chức thực hiện, trong đó tập trung phân loại đối tượng để truyền thông trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, truyền thông kết hợp tư vấn tại nhà… nhằm tiếp cận, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, cán bộ BHXH cũng tích cực hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, trả lời giải đáp ý kiến của NLĐ, bạn đọc trên các trang fanpage của ngành. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tập trung phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo và ngành y tế triển khai tuyên truyền BHYT HSSV năm học 2023-2024 trong nhà trường. Qua rà soát, năm học 2023- 2024, toàn tỉnh có 434 trường học thuộc diện tham gia BHYT theo nhóm HSSV với trên 80.000 HSSV tham gia BHYT bắt buộc. Hiện nay BHXH tỉnh cùng các đơn vị BHXH đã và đang tích cực phối hợp với các nhà trường để triển khai tuyên truyền BHYT HSSV, phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Bên cạnh công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ông Lê Hoài Nam- Trưởng Phòng Quản lý Thu- sổ thẻ cho biết, hết tháng 11/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị trên địa bàn Lạng Sơn trên 40 tỷ đồng với 665 đơn vị, trong đó số đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên là 450 đơn vị với trên 28 tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm đóng, trong đó có tác động của suy thoái kinh tế, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến cho doanh nghiệp chưa chấp hành đúng các quy định pháp luật về BHXH, BHYT. Tuy nhiên, cũng còn tình trạng một số ít doanh nghiệp ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT chưa tốt, có biểu hiện chậm nộp, ưu tiên sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất- kinh doanh. Chính vì vậy, để triển khai thu nợ hiệu quả, BHXH tỉnh và các huyện đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đốc thu theo chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Hằng tháng, cán bộ chuyên quản thu của BHXH tỉnh, BHXH các huyện đã tích cực đôn đốc đơn vị; gửi thông báo đến chủ doanh nghiệp; tham mưu UBND các huyện về tình hình các đơn vị chậm đóng BHXH trên địa bàn. Đặc biệt, đầu tháng 11/2023, BHXH tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với 11 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ trên 1,29 tỷ đồng (trên địa bàn TP Lạng Sơn và huyện Cao Lộc). Trong số này, có trên 1,22 tỷ đồng nợ chậm đóng; trên 71 triệu đồng lãi chậm đóng. Qua làm việc, đến ngày 5/12, đã có 2/11 đơn vị đã nộp đủ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; 5/11 đơn vị đã khắc phục một phần nợ đọng với tổng số gần 200 triệu đồng. Số tiền còn lại trên 930 triệu đồng cả nợ và lãi chậm đóng của các đơn vị chưa thu được và các đơn vị này cam kết sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Còn ông Hoàng Văn Thuận- Phó Giám đốc BHXH huyện Cao Lộc cho biết, từ đầu năm 2023, số nợ đóng BHXH của các đơn vị SDLĐ tại huyện Cao Lộc là trên 12 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH cao thuộc về các đơn vị DN đã ngừng hoạt động, phá sản, giải thể không có khả năng thu tiền nợ; một số đơn vị nợ BHXH kéo dài. Do đó, để thu được nợ, cán bộ chuyên quản thu đã tích cực bám sát, nắm bắt thông tin và tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để có biện pháp đôn đốc, hướng dẫn đơn vị nộp tiền BHXH kịp thời, tránh để nợ kéo dài, nợ số tiền lớn, doanh nghiệp không có khả năng hoàn trả, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Nhờ đó, đến hết tháng 11/2023, cơ quan BHXH đã thu được hơn 3 tỷ đồng tiền nợ BHXH; một số đơn vị nợ đã khắc phục gần hết số nợ; một số đơn vị thuộc diện khoanh nợ, phá sản đã được làm các thủ tục chốt nợ, không phát sinh lãi chậm đóng hằng tháng.
Thời gian còn lại của năm 2023, BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường đồng bộ các giải pháp, quyết liệt giảm số tiền chậm đóng BHXH xuống mức thấp nhất, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, cơ quan BHXH xem xét tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, báo cáo BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của các đơn vị; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với các đơn vị SDLĐ để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh sẽ thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền lớn, thời gian kéo dài…
Song song với đó, BHXH tỉnh cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện cùng vào cuộc, tạo sức lan toả và cộng đồng trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tập trung đẩy mạnh truyền thông hơn nữa nhằm vận động, phát triển người tham gia mới, đồng thời thực hiện tốt việc duy trì và phát triển bền vững số người đã tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2023.
Nguyệt Hà