Hà Nội: Công bố quyết định thanh tra 45 doanh nghiệp chậm đóng BHXH
Thanh tra TP.Hà Nội vừa tổ chức công bố quyết định thanh tra liên ngành việc chậm đóng BHXH tại một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Theo quyết định của Thanh tra TP.Hà Nội, Đoàn Thanh tra liên ngành lần này sẽ lập thành 3 tổ, mỗi tổ có 6-7 thành viên, có nhiệm vụ thực hiện thanh tra tại 45 đơn vị chậm đóng BHXH; thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2023 đến thời điểm thanh tra và các nội dung liên quan ngoài thời kỳ thanh tra (nếu có). Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy mức độ, Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của các DN.
Đại diện DN ký nhận quyết định thanh tra
Tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Nguyễn Trọng Hòa- Phó Chánh Thanh tra TP.Hà Nội nhấn mạnh: Bên cạnh những đơn vị, DN nỗ lực vượt khó, tuân thủ chính sách pháp luật BHXH, BHYT, vẫn có những DN cố tình chây ỳ chậm đóng BHXH- đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Do đó, yêu cầu các đơn vị cố gắng khắc phục số tiền chậm đóng trước thời điểm Đoàn Thanh tra làm việc với đơn vị.
Cũng tại buổi công bố quyết định thanh tra, ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết thêm: Trong số 130.000 đơn vị SDLĐ do BHXH Thành phố quản lý thu, có rất nhiều đơn vị thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít đơn vị vẫn để xảy ra tình trạng chậm đóng BHXH, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ cho NLĐ.
“Nếu các đơn vị không chủ động khắc phục số tiền chậm đóng BHXH, Đoàn Thanh tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để xử lý hành vi vi phạm, với biện pháp tương ứng như xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự”- ông Vũ Đức Thuật nhấn mạnh.
Theo thống kê của BHXH TP.Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2023, toàn thành phố có 85.553 đơn vị chậm đóng BHXH của 1.640.713 NLĐ với số tiền 5.458,3 tỷ đồng, bằng 8,49% so với số phải thu. Trong đó có 1.726,1 tỷ đồng của các đơn vị đã ngừng giao dịch; 67,3 tỷ đồng của NSNN; 1.820,1 tỷ đồng chậm đóng dưới 12 tháng và 1.844,8 tỷ đồng chậm đóng từ 12 tháng trở lên.
Đáng chú ý, có 24 đơn vị thuộc diện chây ỳ nợ đọng kéo dài như: Công ty CP Anh ngữ APAX (quận Cầu Giấy) nợ 45 tháng (55,78 tỷ đồng); Công ty CP LILAMA3 (quận Bắc Từ Liêm) nợ 107 tháng (44,162 tỷ đồng); Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (KCN Quang Minh) nợ 41 tháng (35,06 tỷ đồng); Công ty CP Cầu 12 (quận Long Biên) nợ 79 tháng ( 29,508 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty CP Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI- Nhà máy Sản xuất Ô tô số 1 huyện Mê Linh (quận Cầu Giấy) nợ 137 tháng (24,487 tỷ đồng); Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 CIENCO-1 (quận Long Biên) nợ 120 tháng (20,222 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 6 (quận Hà Đông) nợ 40 tháng (19,91 tỷ đồng); Công ty CP 116- CIENCO1 (quận Thanh Xuân) nợ 152 tháng (19,628 tỷ đồng); Công ty CP Sữa Hà Nội (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) nợ 31 tháng (19,584 tỷ đồng)…
Châu Anh